Tổng quan chung về công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027

27/09/2023
Trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam, góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của các cấp Hội theo quy định của Điều lệ Hội.
Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh làm việc với Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa về công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2023

Các cấp Hội, cán bộ, hội viên đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Hội.

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam đã được tăng cường và có nhiều đổi mới; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp Hội được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội đã đi vào nề nếp và có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm trong tổ chức và hoạt động Hội.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội vẫn bộc lộ một số hạn chế như: chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp, việc kiểm tra, giám sát của các cấp Hội chưa thường xuyên, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới. Việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của các cấp Hội vẫn là khâu yếu; một số vi phạm chưa được phát hiện kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu giúp việc chưa thường xuyên; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật gặp nhiều khó khăn, bất cập, lúng túng, đôi khi chưa kịp thời và chưa đáp ứng yêu cầu. Mặc dù công tác kiểm tra đã đạt được một số kết quả nhất định, song một số vụ việc phức tạp đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên gia ngành, lĩnh vực trong công tác kiểm tra. Thực tiễn hoạt động của các cấp Hội đang đặt ra yêu cầu ngày càng cần thiết trong công tác kiểm tra, giám sát giúp phát hiện sớm, điều chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm (nếu có), hơn nữa, trong bối cảnh nhiệm vụ công tác Hội đòi hỏi ngày càng cao nên công tác kiểm tra, giám sát cần nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Trong nhiệm kỳ 2022-2027, văn bản định hướng, chỉ đạo nghiệp vụ về công tác kiểm tra giám sát trong hệ thống Hội là Hướng dẫn 13/HD-BCH ngày 19/10/2022 của Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành kỷ luật trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hướng dẫn 13/HD- BCH).

Hướng dẫn 13/HD- BCH đã giải thích một số thuật ngữ liên quan như sau:

Kiểm tra trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là việc các cấp Hội xem xét, đánh giá, kết luận về các hoạt động của tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ, hội viên trong việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết và quy định của tổ chức Hội các cấp nhằm phát hiện những ưu điểm, hạn chế, vi phạm... Công tác kiểm tra được thực hiện định kỳ, theo chuyên đề và đột xuất.

Giám sát trong hệ thống Hội là việc các cấp Hội theo dõi, xem xét, đánh giá, kết luận về các hoạt động của tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên trong việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết và quy định của tổ chức Hội các cấp nhằm phát hiện những việc làm tốt, những mô hình hiệu quả hoặc những vấn đề bất cập, vướng mắc và điều chỉnh kịp thời. Công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, theo chuyên đề.

Hoạt động kiểm tra và giám sát trong hệ thống Hội có một số điểm giống nhau:  

- Kiểm tra, giám sát đều là hoạt động trong nội bộ của Hội LHPN Việt Nam do UBKT các cấp thực hiện, đều nhằm mục đích nắm vững và đánh giá đúng thực chất hoạt động của tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên.

- Kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những vấn đề bất cập để điều chỉnh kịp thời.

- Sau khi kết thúc hoạt động kiểm tra, giám sát đều phải có Báo cáo đoàn và Thông báo kết luận; theo dõi việc thi hành của đối tượng được kiểm tra, giám sát theo Thông báo kết luận.

Như vậy, công tác kiểm tra và công tác giám sát là thống nhất nhưng không đồng nhất. Giám sát và kiểm tra có nội hàm gần gũi nhau, trong công tác giám sát có một phần nội dung kiểm tra và trong công tác kiểm tra có một phần nội dung giám sát.

Bên cạnh đó, hai hoạt động này cũng có những điểm khác nhau, đó là:

- Khác nhau về mục đích: 

+ Giám sát là việc làm thường xuyên, liên tục để chủ động phòng ngừa xảy ra vi phạm từ lúc manh nha. Sau giám sát phải có Báo cáo kết quả giám sát và Thông báo kết luận giám sát. 

+ Kiểm tra là để làm rõ đúng sai, sau kiểm tra phải có Báo cáo kết quả kiểm tra và Thông báo Kết luận kiểm tra (nếu có sai phạm thì phải xử lý).

Khác nhau về phương pháp: 

+ Giám sát thường xuyên không cần thẩm tra xác minh, không xem xét thi hành kỷ luật như một cuộc kiểm tra mà thông qua giám sát, theo dõi để phát hiện vấn đề, phản ảnh để đối tượng được giám sát kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa khuyết điểm, tránh xảy ra vi phạm.

+ Kiểm tra là tiến hành theo quy trình, lập thành tổ hoặc đoàn, coi trọng phần thẩm tra xác minh; có đánh giá, nhận xét kết luận và xử lý kỷ luật (nếu vi phạm đến mức cần xử lý). Về phương pháp, kiểm tra có tự kiểm tra, giám sát không có tự giám sát.

Tuy giữa giám sát và kiểm tra có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau, nhưng chúng có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Công tác giám sát là tiền đề cho công tác kiểm tra. Qua công tác giám sát để kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn vi phạm từ lúc còn manh nha, nếu phát hiện sai phạm phải chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; muốn thực hiện tốt việc kiểm tra thì phải thường xuyên thực hiện việc giám sát. Nếu thực hiện kiểm tra tốt sẽ giúp cho việc giám sát sâu hơn, đánh giá chính xác hơn. Giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác kiểm tra giám sát trong hệ thống Hội tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

   Thứ nhất, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Hội, việc thực hiện nghị quyết và các quy định của tổ chức Hội các cấp:

- Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội.

- Việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội và Nghị quyết Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.

- Việc thực hiện nguyên tắc, tổ chức hoạt động của tổ chức Hội; thực hiện quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

- Việc xây dựng và củng cố tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở, việc tập hợp, thu hút, quản lý hội viên; việc quản lý, ghi chép sổ sách nghiệp vụ công tác Hội.

    Thứ hai, kiểm tra, giám sát việc quản lý hội phí, quỹ hội và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định:

- Việc xây dựng và thực hiện các quy định, quy chế về sử dụng quỹ hội và các nguồn thu hợp pháp khác.

- Việc thu, nộp và sử dụng hội phí.

   Thứ ba, kiểm tra, giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chấp hành Điều lệ Hội, việc thực hiện nghị quyết và các quy định của tổ chức Hội các cấp; giám sát việc xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của tổ chức Hội; việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của các cấp Hội.

Về hình thức, công tác kiểm tra và giám sát trong hệ thống Hội cũng có điểm khác nhau:

+ Có 03 hình thức kiểm tra, đó là: Kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề và kiểm tra đột xuất (khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm Nghị quyết, Điều lệ Hội).

+ Có 02 hình thức giám sát: giám sát là giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề./.

Uỷ ban kiểm tra, TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video