Tuyên Quang: U50 khởi nghiệp làm du lịch cộng đồng
Khởi nghiệp vì muốn giới thiệu cảnh đẹp quê hương…
Vào ngày cuối tuần, cơ sở Homestay Hoàng Tuấn khang trang, sạch đẹp và tiện nghi bậc nhất ở huyện vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Tuyên Quang, luôn nhộn nhịp khách du lịch trong và ngoài nước. Nhìn cảnh đón khách quy củ và chuyên nghiệp tại Homestay Hoàng Tuấn hôm nay, ít ai biết rằng chủ nhân của cơ sở này mới chỉ khởi nghiệp làm du lịch từ vài năm nay.
Bà Triệu Thị Xướng, chủ cơ sở Hoàng Tuấn, chia sẻ: "Gia đình tôi vốn hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhưng từ năm 2018, tôi biết đến ngành du lịch cộng đồng. Tôi ấp ủ phải làm du lịch, để nhiều du khách biết đến quê hương mình hơn. Ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì mình chưa có kinh nghiệm, rồi lãnh đạo địa phương cũng khuyến khích ủng hộ, nên tôi và gia đình càng có động lực hơn nữa".
Homestay Hoàng Tuấn tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang
Từ sự đam mê làm du lịch để giới thiệu quê hương, bà Triệu Thị Xướng, đã chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh doanh của gia đình mình. Đầu tiên là sửa chữa cơ sở hạ tầng thành nhà Homestay, sau đấy là tham gia học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch.
Bà Xướng cho biết: "Khi đi học tập làm du lịch, tôi luôn là người trong tốp lớn tuổi, nhưng vì mình đam mê, nên tôi rất chịu khó học hỏi, từ cách gấp chăn màn, dọn buồng phòng, rồi kỹ năng nấu ăn, pha chế… tôi đều học hết. Thế nhưng khi có những vị khách đầu tiên đến với cơ sở nhà mình, tôi vẫn cứ bị cuống lên đấy. Một thời gian sau thì mọi thứ dần đi vào ổn định, vì mình cũng vừa làm vừa rút ra kinh nghiệm".
Du khách đến với Homestay Hoàng Tuấn
Ông Huỳnh Văn Tới, ở Đồng Nai, từng nghỉ ở Homestay Hoàng Tuấn, chia sẻ: "Khi đến Homestay Hoàng Tuấn, tôi đặc biệt ấn tượng bởi ngoài sự nhiệt tình chu đáo của gia chủ, thì họ còn tận dụng triệt để các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, để trang trí cho không gian trở nên ấm cúng, độc đáo và khác biệt. Những ngày ở đó, mình được trải nghiệm khám phá các giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người dân tộc bản địa một cách rất thú vị, và ý nghĩa. Tôi rất ấn tượng với cách làm của bà Xướng".
Thuyền du lịch của nhà bà Triệu Thị Xướng chuyên phục vụ du khách đi thăm quan hồ thủy điện
Con đường khởi nghiệp làm du lịch của bà Triệu Thị Xướng cũng rất gập ghềnh. Khi hoạt động chưa lâu, nguồn vốn đầu tư lớn chưa thu về được, thì gặp phải biến cố đại dịch Covid-19, cơ sở phải đóng cửa. Bà Xướng cho biết: "Lúc dịch Covid-19, cơ sở đóng cửa, không có nguồn thu để duy trì, tôi phải tìm mọi cách để vượt qua giai đoạn khó khăn muôn trùng ấy, cũng may là rồi cũng vượt qua được".
Tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em
Homestay Hoàng Tuấn phát triển đến hôm nay, cũng đã tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều chị em ở địa phương. Từ việc làm dịch vụ phục vụ ăn uống, đến biểu diễn văn nghệ phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Nhiều chị em tham gia đội văn nghệ biểu diễn tại Homestay Hoàng Tuấn
Bà Xướng chia sẻ: "Mình mở ra cơ sở kinh doanh, thì cũng nhờ đến chị em cùng chung tay phát triển, quan trọng là phải luôn chu đáo, nhiệt tình và thân thiện. Du khách về quê hương mình có ấn tượng mới muốn trở lại."
Hiện nay, cơ sở Homestay Hoàng Tuấn luôn duy trì hàng chục lao động thường xuyên, khi có đông khách, bà Xướng sẽ huy động thêm chị em tham gia giúp việc.
Đến Homestay Hoàng Tuấn, du khách được trải nghiệm khám phá nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Tày ở Lâm Bình, Tuyên Quang
Mới đây, gia đình bà Xướng cũng đầu tư thêm các dịch vụ thuê ngựa, thuê xe máy, xe đạp và cả thuyền Kayak, nên quy mô cũng ngày một lớn mạnh hơn. Việc làm tạo ra cho chị em địa phương cũng nhiều hơn.