Về sông Măng, nghe chuyện phụ nữ vươn lên

15/02/2017
Là địa phương đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế gia đình của các hội viên hội phụ nữ, xã Chánh Hội hiện có 8 tổ hợp tác sản xuất thủ công mỹ nghệ đang ngày càng góp phần giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu,…

Nắm cái khó từ xã thuần nông

Xuất phát điểm là một xã thuần nông, trong đó, người dân sống bằng nghề nông chiếm đến 90%, còn lại đa số làm thuê có thu nhập thấp nên vẫn còn không ít hộ phụ nữ nghèo và cận nghèo.

Nắm bắt tình hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã có nhiều sáng kiến để giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Nổi bật là việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất thủ công mỹ nghệ.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chánh Hội Trần Thị Kim Khuyên, việc thành lập các tổ hợp tác rất phù hợp với địa phương, hội viên phụ nữ tham gia đa phần là tuổi trung niên, không có bằng cấp, thời gian nông nhàn nhiều.

Hiện tại, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp thành lập 8 tổ hợp tác sản xuất thủ công mỹ nghệ với nhiều mặt hàng thủ công, có 136 tổ viên. Đồng thời cũng mở nhiều lớp học nghề, giúp giải quyết lao động thường xuyên cho 271 hội viên.

Theo chị Trần Thị Kim Khuyên, các tổ hợp tác luôn có nguồn hàng để sản xuất, thu nhập bình quân từ 700 ngàn đến 2,5 triệu đồng/tháng. “Điều đáng phấn khởi là các chị em làm rất hăng say, có ý chí nghị lực, nhất là các hội viên nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, tiến đến khá, giàu”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Cúc (ấp Nhì A) là tổ trưởng tổ sản xuất bóc tách vỏ hột điều, may túi xách du lịch, đan ghế nilon cho biết: Tổ có 26 tổ viên, đa phần là những hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, từ lúc tham gia tổ sản xuất, đời sống của chị em ngày càng được nâng lên.

“Trước mắt là đã giải quyết được việc làm nâng cao thu nhập, đặc biệt là giúp chị em thoát nghèo, nhiều chị đã vươn lên khá…”.

Thoát nghèo bền vững


 Ảnh minh họa

 Cô Hành Thị Sển cười tươi với nghề đan thủ công.


Trên đường đến nhà cô Hành Thị Sển (ấp Chánh Thuận), dù còn cách một khoảng đường mới tới thì đã nghe tiếng nói cười rôm rả của mọi người.

Nhà chỉ có cô đi học nghề đan thủ công, nhưng hiện chồng và cô con dâu út cũng đã biết đan, giải quyết được thời gian nông nhàn.

Cô Sển cho biết, ngoài thời gian làm ruộng vườn, bản thân đâu còn biết làm gì khác, do đó mới đi học và nhận sản phẩm về làm. “Trung bình mỗi tuần cả nhà thu nhập khoảng 1,1- 1,2 triệu đồng.

Số tiền này dư sức để đóng học phí, tiền sữa cho các cháu nội, đời sống kinh tế của gia đình cũng dần khá lên, trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười…”

Từng là một hộ nghèo ở địa phương, mấy năm nay gia đình cô Trịnh Thị Mỹ Dung đã không còn nằm trong danh sách đáng lo đó nữa, nhà cửa khang trang, thu nhập từ nghề đan thủ công cũng tăng dần theo tay nghề.

Cô Dung cho biết: “Bây giờ đã thiệt là hết nghèo, thoát nghèo bền vững, mấy đứa con cũng được học hành, ổn định đời sống. So với đi làm công, nghề đan thủ công cho thu nhập cao hơn, mình lại còn có thời gian để lo cho gia đình, chồng con…”

Theo chị Trần Thị Kim Khuyên, Chánh Hội là xã đi tiên phong trong việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất thủ công mỹ nghệ, từ 35 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo phụ nữ từ năm 2010, đến nay chỉ còn có 8 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo.


“Năm 2017, để giải quyết các hộ phụ nữ thoát nghèo, dự kiến sẽ mở thêm các lớp học nghề, chăn nuôi, thành lập hội hỗ trợ phụ nữ. Đặc biệt là lần đầu tiên áp dụng sáng kiến với “mô hình 301”- tức là 3 chị giúp cho 1 chị”.

Theo: Khánh Duy, http://www.baovinhlong.com.vn/(MH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video