Vĩnh Long: Phát huy vai trò của nữ tri thức trong nghiên cứu khoa học – công nghệ

Ở tỉnh Vĩnh Long, đội ngũ nữ trí thức ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Theo thống kê đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 766 nữ công chức, viên chức có trình Thạc sĩ, Tiến sĩ, chiếm 43,3% so với nam giới. Các chị tham gia vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động xã hội, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian qua, các chị đã phát huy tinh thần sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, miệt mài nghiên cứu để có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị, ứng dụng vào thực tiễn, chuyển giao công nghệ tới cộng đồng và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát triển.
Tính từ năm 2016 đến nay, có 51 đề tài khoa học cấp cơ sở và 9 đề tài khoa học cấp tỉnh do nữ làm chủ nhiệm đề tài, chiếm 29,7% tổng số đề tài khoa học của tỉnh. Sản phẩm nghiên cứu khoa học của các chị, được nghiệm thu công nhận triển khai ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, giáo dục, y tế, môi trường, việc làm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó, các chị còn sáng tạo phát minh những công trình khoa học trên lĩnh vực y tế, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng. Điển hình như: Đề tài “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo” của Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hồng, nguyên Chi Cục Trưởng Chi cục Thủy sản; “Ứng dụng CNTT trong quản lý cơ sở dữ liệu vùng trồng, hướng dẫn phòng trị dịch hại và hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản tỉnh Vĩnh Long” của Tiến sĩ Huỳnh Kim Định đạt giải nhì Hội thi sáng tạo Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa năm 2019; Đề tài “Đánh giá thực trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai và hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV tại tỉnh Vĩnh Long” của Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Vĩnh Long… Ngoài ra, còn nhiều chị còn tham gia chủ nhiệm và là thành viên nghiên cứu đề tài, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đối với Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2016 đến nay, việc nghiên cứu khoa học công nghệ từng bước được chú trọng, cán bộ Hội phát huy sáng tạo, vận dụng lý luận, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và thực hiện được 5 đề tài khoa học cấp cơ sở triển khai ứng dụng hiệu quả trong hoạt động của Hội.
Thông qua nghiên cứu khoa học công nghệ, đội ngũ nữ trí thức của tỉnh Vĩnh Long từng bước phát triển về mọi mặt, nhiều chị được tôn vinh, cổ vũ, khuyến khích có những đóng góp trong nghiên cứu khoa học. Điển hình như: Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hồng, nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản và chị Vương Thị Thu Hương, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Vĩnh Long được TW Hội LHPN Việt Nam tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; chị Huỳnh Kim Định, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long và giải ba Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15.
Đội ngũ nữ trí thức của tỉnh Vĩnh Long còn phát huy tốt vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhiều cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý có những ý kiến đề xuất quan trọng liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; phát huy tốt vai trò lãnh đạo quản lý, đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của tỉnh, được Đảng, Nhà nước quy hoạch, đào tạo, đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 lên 3,61% và tỷ lệ nữ tham gia vào cơ quan dân cử các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tăng 2,47% so với nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học, ngày càng có tính cạnh tranh, đòi hỏi thời gian nghiên cứu nhanh, ngắn và phải tạo ra được các sản phẩm khoa học - công nghệ cá biệt, mang lại hiệu quả cao. Trong khi, đội ngũ nữ trí thức còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trình độ, kinh nghiệm, năng lực nghiên cứu còn hạn chế; chị em phải đối mặt với nhiều rào cản, định kiến giới, các chị vừa phải thực hiện tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, vừa phải gánh vác công việc xã hội và phải phấn đấu nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, nên cơ hội học tập, nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ còn hạn chế so với nam giới. Do đó, thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của nữ trí thức tỉnh Vĩnh Long trong nghiên cứu khoa học, công nghệ, đòi hỏi cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phụ nữ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, lồng ghép giáo dục về bình đẳng giới; chú trọng việc đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, công nghệ, trong đó quan tâm đến cán bộ nữ trẻ; có cơ chế, chính sách ưu tiên đặc thù về giới đối với đội ngũ nữ trí thức đã tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ có hiệu quả, được nghiệm thu, ứng dụng trong thực tiễn; tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học.