Xác định những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS khu vực phía Nam
Chiều 12/9, tại Hội thảo Khoa học Quốc gia Khu vực phía Nam, do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam (trực thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam) tổ chức, với chủ đề "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo", các đại biểu tiếp tục tham gia các phiên thảo luận với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, các đại biểu đã nêu rất nhiều vấn đề cấp thiết để cùng thảo luận, tìm nguyên nhân, đề xuất phương án giải quyết, cũng như chỉ ra các vấn đề mới được nhận diện hoặc vấn đề cũ đã được biết đến, đã có can thiệp nhưng vẫn tồn tại dai dẳng.
Theo đó, một trong những vấn đề mới được đặt ra trong quá trình thực hiện dự án 8 là việc phòng chống xâm hại trẻ em DTTS. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Vì địa hình dân cư thưa thớt, hoạt động giám sát cũng không thể sâu sát bằng ở vùng đô thị, đồng bằng. Vậy nên, trẻ em DTTS ở vùng núi là đối tượng dễ bị xâm hại hơn. Tư duy nhận thức của chính cha mẹ các em và bản thân các em DTTS cũng chưa biết cách để bảo vệ bản thân, cũng như lên án hành vi xâm hại.
Trẻ em vùng đồng bào DTTS bị xâm hại tình dục đối diện rất nhiều khó khăn. Các em không nói được tiếng phổ thông, thậm chí cả mẹ cũng tương tự. Do đó, trong quá trình hỗ trợ, các chuyên gia muốn hỗ trợ tâm lý hoặc cung cấp kiến thức về kỹ năng sống cho trẻ đã bị xâm hại cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, phát biểu tại Hội thảo.
ThS Vũ Hồng Hạnh, giảng viên Bộ môn Công tác xã hội Khoa Quản lý phát triển xã hội, trường Luật và Quản lý phát triển, Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết: "Nhiều định kiến như con gái lớn phải đi lấy chồng, trẻ em gái không được quan tâm trong việc học tập. Gia đình bé bị xâm hại và bản thân nạn nhân bị xâm hại cũng xem là bình thường, nên mới dẫn đến hậu quả có thai trong độ tuổi vị thành niên; dẫn đến sang chấn về mặt sức khỏe tâm thần… Tôi cho rằng đây là vấn đề cấp thiết cần giải quyết ngay. Về giải pháp, tôi nghĩ cần tận dụng nguồn lực tại chỗ. Ví dụ như chương trình "cô đỡ thôn bản" thì mình nên tập huấn thêm, để các chị hướng dẫn cho trẻ. Đồng thời, chúng ta cần thúc đẩy vai trò công tác xã hội tại địa phương để vấn đề phòng chống xâm hại được đẩy mạnh".
Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận với nhiều nội dung quan trọng.
Bên cạnh vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em DTTS, các đại biểu tham dự Hội thảo còn chỉ ra một số vấn đề cấp thiết như: Trình độ học vấn thấp, như tỷ lệ biết chữ của phụ nữ Khmer thấp hơn đáng kể so với nam giới Khmer; Phụ nữ và trẻ em DTTS thường khó tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao; Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần gần như không được coi trọng trong đồng bào DTTS; Kinh tế, việc làm và khởi nghiệp đối với phụ nữ và trẻ em DTTS cần được thúc đẩy hơn nữa; Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở nông thôn vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu; Kỹ năng sử dụng, tiếp cận công nghệ thông tin còn thấp…
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Hội thảo đã nhận hơn 70 bài viết gửi về tham gia và BTC đã chọn được 40 bài đưa vào kỷ yếu. Hội thảo đã chỉ ra nhiều vấn đền cấp thiết mới được nhận diện hoặc những vấn đề cũ mà có nguy cơ tăng lên và chỉ ra giải pháp thực tế như: Vấn đề tiếp cận thông tin chuyển đổi số; phòng chống xâm hại trẻ DTTS… Đây là nguồn tư liệu quý để các ban, đơn vị Trung ương Hội và Hội LHPN các tỉnh khu vực phía Nam tham khảo, tổ chức các hoạt động đảm bảo hiệu quả, lọc ra những vấn đề nổi bật để nghiên cứu sâu hơn, giúp hoàn thiện và định hướng chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em DTTS trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền đề nghị thêm một số nội dung như: Đề nghị các cấp Hội phía Nam tiếp tục quan tâm để xác định rõ vấn đề cấp thiết của đồng bào DTTS ở địa phương cụ thể là gì? Nguyên nhân ở đâu? Đã giải quyết đến đâu? Căn cứ vào phong tục tập quán, văn hóa của từng dân tộc để có giải pháp cụ thể, thiết thực; quan tâm vấn đề nghiên cứu đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán, tăng cường phối hợp với các ban ngành liên quan để tìm ra nguyên nhân, hướng giải quyết những vấn đề cấp thiết, để thực hiện tốt nhiệm vụ dự án 8; tăng cường nghiên cứu các văn bản, nắm vững kiến thức để quá trình tuyên truyền mới hiệu quả hơn; quan tâm đa dạng các hình thức tuyên truyền, sáng tạo trong vận động, ví dụ thông qua hình ảnh, điện ảnh, sân khấu thì sẽ hiệu quả hơn là đọc báo cáo…