Xanh – sạch – giàu từ giun quế

16/05/2017
Không chỉ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế tăng thu nhập, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế” còn góp phần tạo cảnh quan môi trường xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xanh – sạch – đẹp.

Đồng ruộng ngổn ngang rơm rạ, khói đốt mù mịt sau mỗi vụ thu hoạch, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi ngõ xóm… là những hình ảnh quen thuộc ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống. Trăn trở trước thực trạng đó, Hội LHPN xã Hải Sơn đã nỗ lực tìm tìm giải pháp để từ những rác thải đó cho ra những sản phẩm có chất lượng, nâng cao đời sống của chị em và đảm đảm bảo giữ vệ sinh môi trường.

Cuối năm 2014, Hội LHPN xã mạnh dạn đề xuất với Hội LHPN huyện Hải Hậu hỗ trợ tổ chức tập huấn chăn nuôi khép kín không chất thải cho hơn 100 hội viên phụ nữ; tổ chức cho chị em đi tham quan mô hình nuôi giun quế tại Võ Miếu, Thanh Thủy (Phú Thọ) để học tập, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng, khai thác giun làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Chị Trần Thị Len – Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Sơn đã tiên phong thử nghiệm nuôi 100kg sinh khối giun giống trong 3 mét vuông chuồng với chi phí là 1 triệu đồng. Sau 1 tháng nuôi dưỡng, tận dụng những rác thải từ gia đình, cây chuối, bèo, rơm rạ, cỏ, phân động vật làm nguồn nguyên liệu thức ăn cho giun… mô hình thử nghiệm đã cho ra những con giun thịt trưởng thành to mọng, hồng tươi và dày đặc những con non trên mặt luống mùn. Từ đây, chị Len nhân rộng diện tích chuồng nuôi. Tự tin với kết quả đạt được và tích lũy những kinh nghiệm trong quá trình nuôi dưỡng, chị Len tuyên truyền, phổ biến nhân rộng và cung cấp giống không lấy tiền cho chị em có nhu cầu. Để khuyến khích, động viên chị em, Hội LHPN huyện Hải Hậu đã hỗ trợ cho các chị tiên phong đi đầu nuôi giun quế vay vốn với mức vay từ 10-15 triệu đồng/hộ.

Sau gần 1 năm triển khai mô hình, được chị em phụ nữ địa phương biết đến ngày một đông, Hội LHPN xã quyết định thành lập nhóm “Phụ nữ nuôi giun quế” gồm 11 chị tham gia và tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau giống, vốn. Từ nguồn giống ban đầu, các chị đã chủ động được con giống và bán giống cho hội viên phụ nữ trong toàn xã cũng như các xã, thị trấn trong toàn huyện với giá 10.000đ/kg sinh khối giun. Nhiều chị nuôi với diện tích lớn như chị Đoàn Thị Gấm 20m2; chị Phùng Thị Phương, Nguyễn Thị Hiền 10m2….

Sau 2 năm, những hộ chăn nuôi khép kín không chất thải bằng mô hình nuôi giun quế đã đạt được nhiều thành công: không để lại mùi hôi, thối, hạn chế ruồi, muỗi và không còn rác thải rác ra môi trường. Phân giun tận dụng trồng rau màu tạo nguồn rau sạch không hóa chất trừ sâu. Giun trưởng thành làm thức ăn cho gà, lợn, bò… tạo nên các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn như thịt lợn, thịt gà, ngan, vịt, các loại trứng, rau màu. Thông qua việc tham gia phiên chợ nông sản ở Hà Nội, giới thiệu và bán những sản phẩm từ mô hình nuôi giun quế, chị em đã đưa những sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Hiện nay, toàn xã Hải Sơn có 28 thành viên tham gia mô hình chăn nuôi khép kín không chất thải nuôi giun quế với diện tích trên 300 mét2. Chị Trần Thị Len – Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Sơn tự hào cho biết: “Từ khi mô hình nuôi giun quế phát triển, tất cả rác thải trở thành nguồn thức ăn của giun nên ở địa phương không còn rác thải ra môi trường, tạo nên không khí trong – lành, gia đình gọn- sạch”.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế còn mà mô hình nuôi giun quế còn tạo chuyển biến, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cán bộ hội viên phụ nữ Hải Sơn. Từ thành công của Hải Sơn, mô hình đã lan tỏa ra cả cộng đồng dân cư xung quanh Hải Cường, Hải Phú, Hải Xuân, Hải Đường, Hải Long, Hải Tây, Hải Phúc, Hải Chính, Hải Hưng, Thị trấn Cồn… góp phần thiết thực trong phong trào phụ nữ Hải Hậu chung sức xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển.

Lê Thị Thi - Hội LHPN tỉnh Nam Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video