Đưa tơ tằm, tơ sen Việt Nam vươn ra quốc tế

6 tuổi, bà Thuận đã biết hái dâu nuôi tằm. Đau đáu những năm giá tằm rớt thê thảm, bán không ai mua, bà quyết đi tìm đầu ra cho tơ tằm. Thế là bà quyết định làm thành một quy trình sản xuất khép kín, ở đó, tự con tằm sẽ dệt tơ thành các thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngày đêm mày mò huấn luyện, điều khiển tằm dệt lụa, mất 1 năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, rồi những tấm vải, tấm chăn do tằm tự dệt đầu tiên đã hoàn thành. Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên có: Chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt giải Nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015.
Từ sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao, có mặt ở những thị trường như: Nhật, Thái, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út... Dạy tằm dệt cửi thành công, bà tiếp tục “bắt sen nhả tơ”. Từ đầu năm 2017, bà Thuận bắt tay vào nghiên cứu lụa tơ sen. Công đoạn tạo tơ sen còn khó khăn gấp bội. Năm 2019, bà Thuận đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen, từ tơ sen đó đã thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Lụa tơ sen ngay lập tức tạo được tiếng vang. Năm 2019, lụa tơ sen vinh dự được Thủ tướng lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.
Với những cống hiến to lớn cho nghề dệt vải tơ tằm truyền thống, Nghệ nhân Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) đã được vinh danh với rất nhiều danh hiệu như: “Nghệ nhân Ưu tú” do Chủ tịch Nước phong tặng; giải thưởng cho 100 phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước; giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020 của Hội LHPN Việt Nam; giải Nhất sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc do Bộ Công Thương trao; Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam... Năm 2021, Nghệ nhân Phan Thị Thuận là một trong 9 Công dân Ưu tú của Thủ đô.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận là một số gương nghệ nhân tiêu biểu được Hội LHPN Hà Nội vinh danh trong chương trình “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề và quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống” thành phố Hà Nội năm 2023. Họ là những nữ nghệ nhân không chỉ mang trong mình ước mơ “giữ lửa” nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới.