An Giang: Mô hình “Nấm mối nàng Nương” mang thực phẩm sạch tới người tiêu dùng

10/10/2022
Mô hình tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen do chị Châu Thị Nương ngụ xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là mô hình kinh tế hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho 10 phụ nữ ở nông thôn với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng/người, qua đó góp phần nâng cao tiềm năng, vai trò của người phụ nữ.
Chị Châu Thị Nương tham gia chia sẻ ý tưởng sản phẩm nấm mối đen tại sự kiện thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong chuỗi giá trị lúa gạo do Hội LHPN tỉnh An Giang giới thiệu

Chị Nương chia sẻ: “Đồng bằng Sông Cửu Long có thế mạnh về trồng lúa nên lượng rơm thải ra sau thu hoạch rất lớn, bên cạnh đó khí hậu vùng Bảy Núi rất thích hợp cho việc trồng nấm. Nắm bắt được đặc điểm này, tôi đã ấp ủ ý tưởng, tự nghiên cứu, học tập từ giảng viên chuyên ngành nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, sau đó đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm mối đen hoàn chỉnh, từ sản xuất meo, có hệ thống lò hấp, chạy tơ trong phòng máy lạnh… Từng phôi nấm trước khi cung ứng ra thị trường đều được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo phôi nấm tốt nhất đến tay người tiêu dùng”,.

Từ mô hình tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm đen, đến nay chị Nương đã xây dựng thương hiệu mang tên“Nấm mối nàng Nương” không chỉ cung ứng sản phẩm nấm mối tươi ra thị trường, chị còn cung cấp phôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho khách hàng tự trồng nấm tại nhà với số lượng ít, giúp khách hàng vừa được trải nghiệm vừa có thực phẩm sạch cho gia đình.

Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến (áo xanh) thăm, hỏi một số thông tin về sản phẩm trồng nấm mối đen tại trang trại sản xuất nấm của chị Châu Thị Nương

“Đây là loài nấm mới nhưng được thị trường chấp nhận vì ăn ngon, giá trị dinh dưỡng cao rất tốt cho sức khoẻ tuy nhiên giá thành khá cao so với các loại nấm khác, khó tiếp cận hầu hết người tiêu dùng, do đó Hội LHPN tỉnh An Giang đã hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm nấm mối đen của chị Nương tham gia các cuộc thi trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện tiêu biểu nhằm hỗ trợ chị Nương trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nấm mối đen tại các cửa hàng nông sản an toàn, siêu thị...” Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quyến cho biết.

Mô hình trồng nấm mối đen tận dụng nguồn phụ phẩm rơm từ sản xuất lúa nông nghiệp, ngoài việc bảo vệ môi trường, cung ứng nông sản sạch đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, còn tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nông thôn xã Tà Đảnh, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

Ni Ra

Video

Thăm dò ý kiến

Tham gia đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

  • Đồng ý
  • Khác
Xem kết quả