Bắc Kạn: Phụ nữ người dân tộc thành lập hợp tác xã sản xuất “bánh gio ba góc”

Bên nồi bánh gio đang sôi trên bếp, chị Lộc Thị Chanh, Giám đốc HTX bánh gio Bắc Kạn vừa thoăn thoắt gói bánh, vừa kể về hành trình khởi nghiệp từ bánh gio của mình: "Trước kia gia đình rất khó khăn, là hộ nghèo, bố mẹ đi làm thuê, làm mướn để cố gắng trang trải cuộc sống, cho các con được đi học; sau mỗi buổi đi học, chị cũng đi làm thuê, đi gánh gạch, đi hái măng, hái bông chít, quả chè về bán. Ngày còn bé gạo ăn còn không đủ, nên muốn ăn bánh gio thì phải đợi các ngày lễ Tết lớn trong năm mới có cơ hội để thưởng thức. Sau này, nhìn thấy có rất nhiều người yêu thích món bánh truyền thống của địa phương mình, chị ấp ủ ước mơ lập nghiệp bằng chính món bánh đặc sản của dân tộc mình".
Từ quyết tâm đó, chị Chanh đã không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm nhiều công thức làm bánh để ngày càng phù hợp với thị trường; tận dụng lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương (cây chít mọc khắp nương rẫy, nếp nương có sẵn, nguồn nguyên liệu gio từ các xưởng bóc đốt phần gỗ thừa), truyền thống làm bánh gio của gia đình và chặt chẽ trong các khâu lựa chọn nguyên liệu nên bánh của chị Chanh luôn có độ dẻo, trong, thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo chị Chanh, để có những chiếc bánh gio dẻo, ngon, mẫu mã đẹp ngoài việc lựa chọn gạo nếp ra thì nước gio là thành phần quan trọng nhất tạo nên hương vị riêng của bánh. Gio thường được để nguội, bọc vào trong vải xô hoặc rổ tre kín mắt, sau đó châm nước đun sôi để nguội vào bọc gio và hứng lấy nước. Một bọc gio tùy theo ước lượng của người làm bánh mà châm nước cho vừa. Nước gio được lọc cẩn thận rồi đun sôi, để nguội. Nước nhạt quá bánh sẽ không lên màu đẹp, còn nước đậm quá lại có mùi hắc của gio, có vị đắng khiến bánh không ngon. Trước đây khi ninh bằng bếp củi, phải chia thành nhiều nồi, do mức nhiệt không giống nhau nên chất lượng bánh không đồng đều. “Hiện nay chúng tôi ninh bánh bằng nồi điện trong thời gian từ 3 đến 4 giờ đồng hồ là hoàn thành mẻ bánh khoảng 2.000 chiếc. Với cách làm này chúng tôi vừa tiết kiệm được thời gian, nhân lực, mà bánh chín đều hơn", chị cho biết thêm.
Bánh gio của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2022
Năm 2017, từ cơ sở nhỏ lẻ chị đã thành lập HTX, lượng bánh tiêu thụ ngày càng nhiều hơn nên chị kêu gọi các chị em trong thôn, bản cùng làm và được mọi người tin tưởng đồng hành. Đến năm 2022, chị đã thành công đưa sản phẩm bánh gio của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình HTX phát triển, chị Lộc Thị Chanh tâm sự: "Khi mới thành lập, tôi không được gia đình ủng hộ, vì nghĩ phương án mở rộng thị trường và vốn để đầu tư vào gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của bản thân, dần dần mọi người đã thay đổi quan niệm và đồng hành cùng tôi. Khởi nghiệp luôn là một bài toán mạo hiểm, trách nhiệm của bản thân phải cao, vì còn liên quan đến lợi ích của rất nhiều người khác. Điều quan trọng nhất để thành công là luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo; thứ hai là luôn đặt tâm huyết vào sản phẩm; thứ ba là luôn luôn kiên định với con đường mình đã chọn và bằng mọi cách phải tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra”.
HTX bánh gio Bắc Kạn hiện có 9 thành viên chủ yếu là người Tày, người Dao, lao động thường xuyên có 12-15 người tùy từng thời điểm, thu nhập bình quân 7-9 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất từ 3.000 - 5.000 chiếc bánh gio; vào các dịp lễ, Tết thì số lượng bánh đạt hơn 10.000 chiếc bánh/ngày. Hiện nay, bánh của HTX đã có mặt ở các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch; thị trường mở rộng từ Bắc vào Nam và nhiều khách hàng đặt bánh mang ra nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, HTX đã mở thêm chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ theo bán theo hình thức truyền thống mà bánh của HTX còn được nhiều đầu mối, khách hàng lấy về kinh doanh online, bán trên các nền tảng thương mại điện tử nên tiếp cận được số đông khách hàng. Doanh thu mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Bên cạnh việc sản xuất bánh tại HTX, chị Chanh còn sẵn sàng hỗ trợ cho các hộ gia đình đang muốn phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh sản xuất bánh gio; tạo việc làm, tăng thu nhập... ngoài ra, chị còn tích cực tham gia và đạt giải trong Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2022 với ý tưởng: “Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” do Hội LHPN Thành phố Bắc Kạn tổ chức và được vinh dự nhận bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.
Về hướng phát triển trong thời gian tới, chị Chanh mong muốn được mở rộng nhà xưởng sản xuất, ứng dụng công nghệ để giảm sức lao động, nghiên cứu sử dụng gạo nếp và các cách làm để bánh bảo đảm chất lượng, tăng sản lượng và đưa bánh gio vươn xa hơn, qua đó tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên HTX, người dân địa phương. Với lòng nhiệt huyết, tinh thần nỗ lực vượt khó để vươn lên chị Chanh sẽ là người góp phần tiếp lửa cho nghề truyền thống bánh gio ba góc Bắc Kạn vươn xa hơn.