Bình Định: Gương phụ nữ phát triển kinh tế với sản phẩm bánh tráng gạo

Lập gia đình, sinh hai con, hoàn cảnh kinh tế gia đình chị Hiếu khó khăn, mặc dù chị đã thử mua gánh bán bưng hàng ngày, nhưng thu nhập bấp bênh, chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày. Chị Hiếu trăn trở, phải làm sao phát triển kinh tế gia đình để có thể lo cho các con được đầy đủ. Với quyết tâm đó, năm 2019, chị mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để đầu tư làm các loại bánh tráng từ gạo… Khởi đầu chị làm để tự đi bán tại chợ, dần dần, với sự chịu thương, chịu khó, sản phẩm bánh tráng gạo của chị Hiếu được biết đến nhiều hơn.
Theo chị Hiếu, sản phẩm bánh tráng gạo của gia đình được làm chủ yếu từ bột gạo tẻ và mè, đảm bảo quy trình từ việc lựa chọn nguyên liệu đến các khâu chế biến, không có chất tạo màu, không chất bảo quản, giàu dinh dưỡng. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, chị tráng được từ 300 đến 400 bánh tráng gạo; vào mỗi độ trăng rằm và Tết Nguyên đán, mỗi ngày chị tráng hơn 600 bánh/ngày với giá bán trung bình 4.000đ/bánh. Công việc làm bánh tráng của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động nữ; mỗi lao động tại lò bánh tráng nhận khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng chị, trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình chị thu lãi hơn 6 triệu đồng.
Chị Trần Thị Kim Liên, chi hội trưởng phụ nữ khu phố Nhuận An Đông cho biết: “Ngoài việc làm kinh tế giỏi, chị Hiếu còn là hội viên tiêu biểu, tích cực tham gia các phong trào chi hội phát động; bên cạnh đó, chị còn là tấm gương trong việc xây dựng, chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái”.
Có thể nói, chị Hiếu xứng đáng là tấm gương điển hình về tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.