Bỏ nghề lương cao, nâng tầm giá trị giò chả Ước Lễ của quê hương
Chị Nguyễn Thị Loan sinh ra ở làng Tây Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội. Chị tốt nghiệp Đại học Thương mại và từng làm ở vị trí quản lý của một công ty lớn với mức lương nhiều người mơ ước. Có cơ duyên làm dâu một gia đình có truyền thống làm nghề giò chả Ước Lễ lâu đời, niềm đam mê với nghề truyền thống đã làm thay đổi "lộ trình" tương lai của chị. Hai vợ chồng "nắm tay nhau" về nhà khởi nghiệp.
"Cả hai vợ chồng tôi đều có công việc ổn định nên chưa bao giờ nghĩ theo nghề giò chả chả vì thấy bố mẹ thật sự quá vất vả. Họ phải dậy từ tờ mờ sáng để có thể mua được những miếng thịt tươi ngon, mang giã bằng tay rồi hấp, chế biến giò chả. Các công đoạn đều thô sơ và rất vất vả. Thế rồi bố chồng tôi chẳng may đổ bệnh, hàng không ai làm để trả cho khách, nghề gia truyền có nguy cơ không ai nối tiếp. Lúc đó, tôi quyết định bỏ hết công việc hiện tại để giữ và phát triển nghề giò chả của gia đình", chị Loan chia sẻ.
Các sản phẩm của HTX Giò chả Xuân Hương
Hai vợ chồng chị bắt tay vào đầu tư máy móc hiện đại, tủ hấp, dây chuyền sản xuất đảm bảo quy trình, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Chị cải tiến công nghệ với mục tiêu giữ được hương vị của giò chả truyền thống nhưng ngon hơn, sạch hơn. Chị còn quyết tâm giữ lại tên thương hiệu lâu đời của gia đình là Giò chả Xuân Hương, có địa chỉ tại Ước Lễ, Thanh Oai. Đồng thời mở rộng quy mô sản xuất với xưởng máy móc, công nghệ hiện đại, đáp ứng những đơn hàng phục vụ thị trường Hà Nội và thuận tiện trong việc vận chuyển đi các tỉnh thành trong cả nước.
Nhớ lại quãng thời gian đầu khởi nghiệp, chị gặp không ít khó khăn. Máy móc mới sử dụng vẫn chưa thạo cách vận hành nên sản phẩm làm ra chưa được ưng ý, phải bỏ đi quá nhiều. Thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn khiến chị thất bại ngay từ bước đầu, thậm chí đã có lúc chị chán nản muốn bỏ cuộc. 6 tháng đầu chị đã thua lỗ gần 200 triệu. Sau quá trình vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của bố chồng để áp dụng vào máy móc, quy trình sản xuất mới dần dần đi vào ổn định và bắt đầu có lãi. Từ sản lượng thành phẩm chỉ 10kg mỗi ngày, đến nay Giò chả Xuân Hương đã cho ra gần 2 tấn thành phẩm mỗi ngày.
Quy trình sản xuất chả cốm tại xưởng giò chả của chị Loan
Sau 5 năm tiếp quản và gây dựng, đi từ con số 0, chị Loan đã đưa Giò chả Xuân Hương trở thành đơn vị cung cấp uy tín trên thị trường Hà Nội và một số tỉnh thành. Sản phẩm đạt OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội. Chị Loan còn là Giám đốc HTX Giò chả Ước Lễ, đơn vị có chức năng nhiệm vụ quảng bá các sản phẩm làng nghề và bảo hộ thương hiệu giò chả Ước Lễ tại địa phương.
"Mong muốn lớn nhất của tôi là giò chả Ước Lễ sẽ được bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và được các cấp chính quyền tạo điều tiện mở rộng bảo hộ để nghề phát triển xa hơn", chị Loan nói.
Không chỉ làm ra sản phẩm truyền thống, chị Loan còn nghiên cứu nhiều món ăn cải tiến từ sản phẩm truyền thống. Chị muốn tạo ra giá trị mới cho các sản phẩm làng nghề bằng nhiều "tuyệt phẩm" phong phú hơn. Là người trẻ làm nghề truyền thống, chị Loan luôn luôn muốn nhận sự góp ý từ khách hàng để hoàn thiện sản phẩm.
"Sản phẩm của chúng tôi luôn đề cao chất lượng, nguồn nguyên liệu đầu vào. Kết hợp bí quyết gia truyền cùng máy móc hiện đại, mẫu mã đa dạng phong phú giúp cho sản phẩm luôn được khách hàng đón nhận" - Đó là bí quyết và cũng là tôn chỉ của chị Loan khi kinh doanh.
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với người trẻ ngày nay, chị Loan nói: "Hiện tại với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì hãy trau dồi kiến thức trong lĩnh vực mà mình muốn khởi nghiệp, có thể đi làm thuê một vài năm lấy kiến thức trước khi bắt tay khởi nghiệp. Hãy tạo cho mình áp lực để bản thân luôn phải cố gắng, vì lúc bạn ngã chỉ có bạn mới có thể cứu mình. Vì thế hãy luôn sẵn sàng một tâm thế thật vững trước khi bắt tay khởi nghiệp. Tiếp theo, bạn hãy đặt mình vào địa vị khách hàng để cảm nhận sản phẩm, và hiểu rằng khách hàng là cốt lõi để tạo ra sản phẩm. Và đừng quên luôn tạo ra điều mới mẻ với sản phẩm của mình".