Hà Giang: Bác Vàng Thị Chúa làm kinh tế giỏi

17/07/2024
Những năm trước kia, gia đình bác Vàng Thị Chúa, dân tộc Mông, thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc thuộc diện diện hộ nghèo của xã. Qua nhiều năm trăn trở suy nghĩ để thoát nghèo, từ đầu năm 2020, bác Chúa đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc số tiền 75 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế.
Bác Chúa (bên trái) chăm sóc đàn bò của gia đình

Từ số tiền vay, bác Chúa đã đầu tư làm chuồng trại và mua 2 con bò giống, 8 con lợn đen giống địa phương và hàng chục con gà xương đen (còn gọi là gà Mông) là giống địa phương cũng như thường xuyên tham gia học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi thành công tại thôn bản.

Nhờ sự quyết tâm, chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ đi trước trên địa bàn, đến cuối năm 2020, bác Chúa đã bán 2 con bò, đàn lợn và đàn gà xương đen được tổng số tiền trên 110 triệu đồng. Nhận thấy phát triển chăn nuôi có lãi, đầu năm 2021, bác Chúa đã dùng toàn bộ số tiền thu được từ bán các loại gia súc, gia cầm để tiếp tục mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi. Đến tháng 8/2021, với số tiền 220 triệu đồng thu được từ chăn nuôi, bác Chúa đã trả hết nợ ngân hàng, số còn lại tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi tổng hợp các loại gia súc, gia cầm.

Nhờ có diện tích vườn đồi rộng, gia đình bác Chúa đã tiến hành trồng trên 0,7ha cỏ để phục vụ chăn nuôi bò; trồng gần 1ha lúa, trên 1,8ha ngô nương và gieo trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, gia đình bác Chúa luôn quan tâm đến công tác chọn giống tốt, tiêm phòng trừ dịch bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi và nhất là làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại… Nhờ đó đàn vật nuôi của gia đình bác Chúa lớn nhanh, phát triển tốt và không bị dịch bệnh.

Bác Chúa cho biết: “Nếu biết kết hợp chăn nuôi với trồng trọt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi sẽ giúp gia đình tăng năng suất và chất lượng cây trồng, tiết kiệm tiền mua phân bón tổng hợp. Bên cạnh đó, phân hữu cơ từ chăn nuôi còn góp phần cải tạo đất, làm cho đất canh tác không bị bạc màu”. Từ năm 2022 đến nay, thu nhập từ chăn nuôi bò mỗi năm khoảng 190 triệu đồng, sau khi trừ các loại chi phí như tiền giống, thuốc thú y, thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo… còn lãi khoảng 130 triệu đồng; tiền bán đàn lợn và đàn gia cầm, mỗi năm 2 lứa khoảng 250 triệu đồng, sau khia trừ các loại chi phí mỗi năm lãi khoảng trên 180 triệu đồng. Đối với lúa, ngô và rau màu cho thu nhập vào khoảng 130 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như giống, công lao động… còn lãi khoảng 90 triệu đồng mỗi năm.

Chị Sùng Thị Mỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lủng cho biết, gia đình bác Vàng Thị Chúa là hộ gia đình dân tộc Mông thoát nghèo vươn lên làm giàu điển hình của xã từ phát triển chăn nuôi tổng hợp kết hợp với trồng trọt. Ngoài ra, bác Chúa còn luôn giúp đỡ các gia đình trong thôn Tả Lủng B về kinh nghiệm sản suất và chăn nuôi để cùng phát triển kinh tế gia đình.

Phạm Văn Phú

Video