Hà Giang: Gương phụ nữ dân tộc Tày làm giàu từ mô hình kinh tế hộ

25/03/2024
Đó là chị Hoàng Thị Hoa, dân tộc Tày, ngụ tại tổ 11, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên. Với những thành tích trong phát triển kinh tế, chị đã được Hội LHPN huyện Vị Xuyên biểu dương, khen ngợi và trao tặng nhiều giấy khen từ năm 2021 đến nay.
Chị Hoàng Thị Hoa bên vườn cam ngọt của gia đình

Nhờ diện tích đất đồi rộng, từ đầu năm 2014, chị Hoa đã cùng với gia đình đầu tư trồng trên 1ha cam sành và gần 1ha cam ngọt trên vườn đồi của gia đình. Để lấy ngắn nuôi dài và tận dụng đất trống khi cam chưa giao tán, chị đã đầu tư trồng lạc và đậu tương trong vườn cam góp phần cải tạo, làm tăng độ phì nhiêu của đất vườn.

Ngoài đầu tư trồng cam, chị Hoa tiếp tục đầu tư mua 2 con lợn nái và 60 con gia cầm như gà, vịt về nuôi. Do biết chăm chỉ cần cù và ham học hỏi kinh nghiệm của những người đã thành công, đàn lợn nái và gia cầm của gia đình chị Hoa phát triển tốt, mang lại thu nhập cao.

Từ năm 2018, sau hơn 5 năm, vườn cam đã cho thu hoạch sản phẩm đầu tiên. Đến năm 2020, với tiền thu được từ bán cam, chị Hoa tiếp tục đầu tư mua thêm trâu giống về nuôi và mở rộng quy mô chuồng trại để đầu tư nuôi thêm lợn thương phẩm. Để tận dụng nguồn nước suối chảy qua đất vườn, gia đình chị đã đầu tư đào hơn 1.000 m2 ao thả cá. Nhờ biết phối hợp phát triển kinh tế giữa chăn nuôi kết hợp với trồng trọt nên các diện tích cam của gia đình chị Hoa phát triển tốt, cho năng suất và sản lượng ngày càng cao. Bên cạnh đó, trong chăn nuôi, chị thường duy trì từ 4 - 5 con trâu, mỗi năm xuất bán từ 2 – 3 con và sau đó mua bổ sung trâu non hoặc trâu gầy yếu về nuôi vỗ béo.

Từ năm 2021 đến nay, bình quân thu nhập từ cam đạt khoảng 1,1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi mỗi năm khoảng 850 triệu đồng. Thu nhập từ tiền bán trâu mỗi năm lãi khoảng 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Tiền bán lợn giống và lợn thịt lãi khoảng 130 triệu đồng, sau khi trừ chi phí như tiền giống, thức ăn, thuốc thú y... Tiền bán cá mỗi năm được khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ tiền mua giống và thức ăn còn lãi khoảng 80 triệu đồng. Các sản phẩm thu được từ cấy lúa và trồng ngô phục vụ cho sinh hoạt gia đình và phát triển chăn nuôi.

Chị Hoa cho biết thêm, muốn phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, nhà nông cần biết phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt. Từ đó, nguồn phân bón từ chăn nuôi sẽ giúp tiết kiệm được tiền mua các loại phân vô cơ. Bên cạnh đó, nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi sẽ giúp cải tạo đất, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Ngoài ra, các sản phẩm từ trồng trọt như thân cây ngô, rơm sau thu hoạch lúa là nguồn thức ăn thô xanh để nuôi trâu; các loại cá nhỏ, tôm tép từ ao cá là thức ăn bổ sung nguồn đạm cho chăn nuôi lợn và các loại gia cầm…

Như vậy, với mô hình kinh tế hộ phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, gia đình chị Hoa đã có nguồn thu nhập trên 1,1 tỷ đồng mỗi năm sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư.

Anh Hà Văn Nguyên, Chủ tịch UBND thị trấn Vị Xuyên cho biết: “Gia đình chị Hoàng Thị Hoa là một tấm gương điển hình của thị trấn trong phát triển kinh tế. Trong những năm qua, mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Hoa là nơi tham quan học hỏi kinh nghiệm của các đoàn nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên… trong và ngoài huyện Vị Xuyên”.

Phạm Văn Phú

Video