Hà Giang: Gương phụ nữ làm kinh tế giỏi
- Chị Nguyễn Thị Nga thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi lợn
- Chị Lý Thị Chấu nuôi gà xương đen vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần phục hồi giống gà có nguy cơ tuyệt chủng
Mô hình chăn nuôi tổng hợp đã giúp gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Dao, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) từng bước phát triển kinh tế và trở thành hộ gia đình thuộc dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Lý Thị Chấu gồm bò, dê và gà xương đen, mỗi năm cho thu nhập trên 280 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lãi khoảng 180 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Chị Chấu cho biết, nhận thấy trồng ngô và cấy lúa cho hiệu quả kinh tế thấp, nên từ năm 2014, gia đình chị đã mạnh dạn vay thêm tiền ngân hàng để mua 2 con bò, 5 con dê và 50 con gà xương đen giống về nuôi. Sau hơn một năm chăn nuôi, số lượng gà xương đen của gia đình được nhân lên trên 200 con. Khi gà lớn, chị bán đi 140 con, còn lại được để lại làm giống. Từ cuối năm 2016, đàn bò đẻ thêm được 2 con và đàn dê tăng lên được 15 con. Năm 2017, từ tiền bán gà chị đã trả hết nợ ngân hàng và số tiền còn dư để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi thêm đàn bò và dê.
Chị chia sẻ kinh nghiệm, chăn nuôi gà, để cho gà mau lớn và chất lượng thịt thơm ngon, gia đình chị dùng phân bò để nuôi giun quế cho gà ăn thêm và nuôi theo cách thả vườn có quây rào chắn xung quanh để cho gà kiếm thêm các loại thức ăn ngoài tự nhiên. Chị cũng rất chăm chỉ tìm hiểu các thông tin về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tài liệu kỹ thuật cũng như tích cực tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Nuôi gà xương đen không những cho thu nhập cao (giá bán bình quân từ 180 - 220 nghìn đồng/kg) mà việc phát triển chăn nuôi gà xương đen hiện nay còn giúp địa phương phục hồi lại giống gà quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn. Chị Chấu khẳng định, gà xương đen là giống gà dễ nuôi, mắn đẻ lại có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh so với các giống gà khác, thích hợp với địa hình của vùng cao.
Với những thành tích đạt được, gia đình chị Lý Thị Chấu đã được UBND, Hội Nông dân huyện Quản Bạ biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen do có thành tích làm kinh tế giỏi từ năm 2018 đến nay.
- Chị Nguyễn Thị Nga thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi lợn
Chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh, huyện Quảng Bình đã từng trải qua cuộc sống kinh tế gia đình khó khăn, vất vả. Vợ chồng chị từ Vĩnh Phúc lên Hà Giang lập nghiệp vào năm 2005 với hai bàn tay trắng, chồng chị là đi làm thợ mộc, còn chị ở nhà chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập chỉ đủ chi tiêu hàng ngày. Năm 2010, chị làm đơn và được xét vay 50 triệu đồng từ ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, gia đình chị dùng làm vốn đầu tư vào chăn nuôi 4 con lợn nái. Mỗi năm, một con lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 9 -10 con, từ mô hình lợn giống chị chuyển qua chăn nuôi chuyển thành lợn thương phẩm và bán ra thị trường được khoảng 5 tấn thịt lợn. Năm 2014 gia đình chị đã trả được vốn Ngân hàng và tích lũy được để tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi kết hợp với kinh doanh thức ăn gia súc. Hiện nay trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị gồm 19 lô chuồng, mỗi lô rộng 14 m2 với tổng đàn lợn khoảng 200 con kết hợp với kinh doanh thức ăn gia súc thuận lợi mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Chị Nga cho biết, gia đình chị không phát triển nuôi ồ ạt cùng một lứa mà theo hình thức nuôi gối đảm bảo tháng nào cũng có lợn bán ra thị trường, trung bình mỗi tháng xuất chuồng từ 1,5- 2 tấn thịt lợn hơi. Trong quá trình chăn nuôi, chị tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc, tiêm phòng, giữ vệ sinh chuồng trại cho lợn, nhờ vậy, đàn lợn của gia đình chị phát triển khỏe mạnh, nhanh, trung bình mỗi lứa nuôi từ 3,5 –4 tháng là lợn có trọng lượng từ 70 – 75 kg, mỗi năm gia đình chị cung ứng cho thị trường từ 18 - 24 tấn thịt lợn. Ngoài ra, chị còn nuôi trên 150 con gà thịt và 30 gà mái sinh sản, cho thu nhập từ chăn nuôi bình quân từ 300 - 350 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí; ngoài ra, cửa hàng đại lý thức ăn gia súc của gia đình chị cũng mang về nguồn lãi khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.
Nhờ biết lao động cần cù, năng động cũng như sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, từ hoàn cảnh thiếu thốn nay gia đình chị đã vươn lên, trở thành gia đình có tiềm lực về kinh tế xếp vào loại khá của xã. Chị được Hội Phụ nữ và UDND huyện Quang Bình biểu dương khen ngợi, tặng nhiều giấy khen.