Hà Tĩnh: Mô hình trồng cam cho thu nhập khá, đưa thương hiệu cam Vũ Quang vươn xa

18/10/2021
Nhiều biện pháp chủ động, tích cực đã được huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) triển khai để gia tăng giá trị kinh tế cho trái cam - sản phẩm thế mạnh của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Thương hiệu "cam Vũ Quang" đang từng bước được người tiêu dùng biết đến và yêu thích.

Về huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh những ngày đầu tháng 10 này có thể cảm nhận rõ sự hân hoan, phấn khởi của bà con đang đón chờ một vụ cam thắng lợi. Niềm vui được mùa hòa cùng niềm vui đón nhận huyện Nông thôn mới (NTM) vừa vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về những đóng góp trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020.

Với lợi thế về tiềm năng đất đai, những năm qua, huyện đã nỗ lực xây dựng hàng ngàn mô hình trồng cam cho thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho quê hương và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả kinh tế cao từ cây cam

Cam Vũ Quang là các giống cam có nguồn gen quý, phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù của vùng đồi núi thấp của địa phương nên có chất lượng và mùi vị đặc trưng khác biệt, hấp dẫn. Một số loại cam nổi tiếng đang trồng tại huyện như: Cam chanh (giống cam Xã Đoài), Cam V2 (Valencia 2), Cam Bù Hà Tĩnh….

Thương hiệu "cam Vũ Quang" đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Tại huyện Vũ Quang, cây cam không những là cây xóa đói giảm nghèo mà là loại cây để làm giàu và mang lại giá trị kinh tế cao. Thương hiệu "cam Vũ Quang" được coi là một trong những đặc sản nổi tiếng và người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2017, tham gia Lễ hội Cam và Nông sản toàn tỉnh lần thứ nhất, cam Vũ Quang đạt giải đặc biệt về chất lượng, có 4 Gian hàng đạt giải A.

Hiện toàn huyện Vũ Quang có gần 2.600 ha cam, trong đó gần 2.000 ha cho thu hoạch. Năm 2021, nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với việc người dân chủ động chăm sóc và tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nên cam cho năng suất cao (15 tấn/ha). Ước tính, sản lượng cam của toàn huyện đạt khoảng gần 30.000 tấn (tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2020). Đây cũng là vụ cam được mùa nhất từ trước đến nay. Nếu bán được mức giá bình quân khoảng 20 nghìn đồng/kg thì năm nay, nông dân Vũ Quang sẽ thu về khoảng 600 tỷ đồng.

Cam Vũ Quang vỏ vàng, mọng nước, tép cam tan trong miệng, vị thanh, ngọt, hương thơm dịu.

Để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ cây cam, trong những năm qua, người trồng cam đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm như đầu tư vào kỹ thuật, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGap.

Tính đến năm 2021, toàn huyện có khoảng 1.000 ha diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGap đạt 50% diện tích cam cho thu hoạch; thực hiện chuyển đổi số trên 1.200 hộ/1000 ha cam. Đồng thời, huyện cũng xây dựng các vườn mẫu, nhà vườn sinh thái kết hợp giữa việc trồng cam và nuôi ong lấy mật tạo nên một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững là một hệ thống sản xuất để duy trì sức khoẻ của đất, hệ sinh thái và con người.

Tại huyện Vũ Quang, cây cam không những là cây xóa đói giảm nghèo mà là loại cây để làm giàu và mang lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, tận dụng nguồn hoa cam, nhiều hộ gia đình trong huyện còn kết hợp nuôi ong lấy mật. "Cái được lớn nhất mà người trồng cam ở địa phương có được khi tham gia thực hiện mô hình này đó là những kiến thức hữu ích trong việc sử dụng phân bón cân đối, hợp lý có hiệu quả làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường hạn chế rửa trôi, xói mòn đất", ông Nguyễn Trường Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang cho biết.

Nuôi ong mật trong vườn cam không chỉ tăng thêm nguồn thu mà còn tăng khả năng thụ phấn cho cây, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần cải thiện môi trường sinh thái và làm đẹp cảnh quan", tạo ra hương vị đặc trưng cho quả cam Vũ Quang với hương vị "Cam Vũ Quang thơm ngát mật ong rừng".

Giai đoạn 2020-2025, huyện đặt chỉ tiêu thành lập 180-200 THT, HTX sản xuất cam VietGAP, để tổ chức sản xuất theo quy trình và sản phẩm đồng nhất cho một vùng sản xuất; thực hiện chuyển đổi số và đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử đạt trên 80% diện tích.

Chủ động đưa cam Vũ Quang "vượt khó" trong dịch Covid-19

Nhận định vụ cam năm nay bước vào thu hoạch chính vụ sẽ gặp nhiều khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua huyện Vũ Quang đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, địa phương linh hoạt kết nối thị trường và xúc tiến đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ.

Theo ghi nhận của huyện, thời điểm hiện tại, vựa cam của Vũ Quang đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên các thương lái chưa thu mua, đặt hàng số lượng lớn như những năm trước do lo sợ về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Để chủ động đầu ra, các địa phương, nhà vườn đã liên hệ các đầu mối quen của gia đình ở TP Vinh, Huế, Đà Nẵng... để khâu nối tiêu thụ. Đến nay, khách hàng đã liên hệ đặt mua được số lượng đáng kể.

Về phía huyện, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm cam, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp Vũ Quang đã xây dựng kế hoạch, bàn giải pháp hỗ trợ Nhân dân trong việc tiêu thụ Cam trong mùa dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm vườn cam Đức Lĩnh - Vũ Quang (Hà Tĩnh) ngày 14/10/2021

Trước hết, huyện tập trung công tác tuyên truyền hướng về thương hiệu sản phẩm Cam Vũ Quang để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến; làm "Thư ngỏ" đến các siêu thị, chuỗi cửa hàng,… để giới thiệu về sản phẩm Cam Vũ Quang; lồng ghép tuyên truyền cho bà con nông dân về tình hình dịch bệnh và chủ động điều chỉnh trong hình thức thu hoạch, giá bán, phương thức vận chuyển cam phù hợp trong vụ thu hoạch sắp tới.

Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo Ngành nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội LHPN tổ chức các buổi hội thảo liên quan đến sản xuất nông nghiệp, liên kết chuỗi, hỗ trợ bà con nông dân livestream bán hàng online để linh hoạt tiêu thụ sản phẩm cam của địa phương. Việc quảng bá hình ảnh cam Vũ Quang trên các trang mạng xã hội cũng được đề cao, chú trọng.

Vụ mùa năm 2021, cam Vũ Quang sẽ có mặt trên các sàn thương mại điện tử

Đồng thời, huyện cũng đã phối hợp với Sở Công thương làm việc với Bộ Công thương và các sàn thương mại điện tử lớn để xây dựng gian hàng cam Vũ Quang trên Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Hatiplaza.com (Sàn TMĐT Hà Tĩnh) để kết nối, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ cam của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số, tuy xuất nguồn gốc điện tử đối với sản phẩm cam Vũ Quang để thuận lợi trong việc kết nối lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và tiếp cận các siêu thị, cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh.

Hy vọng, với sự chủ động chuẩn bị trước các giải pháp, sản phẩm cam Vũ Quang sẽ tiêu thụ ổn định khi vào chính vụ, góp phần đưa sản phẩm cam "made in Vũ Quang" đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.

Vũ Quang là huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM). Sau 20 năm thành lập huyện và 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ một huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Hà Tĩnh, Vũ Quang đã đạt được những thành quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn: đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên nhiều; huyện Vũ Quang đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM; có 2 xã đạt xã NTM nâng cao; 54/73 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu; xây dựng được hơn 1.000 vườn mẫu; 22 cụm dân cư và 49 tuyến đường đạt chuẩn "sáng - xanh - sạch - đẹp". Huyện cũng xây dựng được 1.845 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 65 doanh nghiệp, 53 HTX và 155 THT hoạt động có hiệu quả.

PNVN

Video