Hỗ trợ sinh kế xuất phát từ đặc điểm và nhu cầu của phụ nữ
Sinh kế được hỗ trợ dựa trên nhu cầu
Lựa chọn việc cải thiện cơ hội sinh kế cho các hộ nghèo là mục tiêu chính, từ năm 2020, dự án nhân rộng giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025 của huyện Nam Trà My đã đầu tư về địa bàn dân cư nhiều sinh kế với mục tiêu hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Theo đó, mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản có chuồng trại và khu chăn nuôi tập trung” của Hội LHPN huyện được UBND huyện phê duyệt với tổng kinh phí 726,282 triệu đồng, Hội LHPN huyện làm chủ đầu tư.
Từ nguồn kinh phí được phê duyệt, Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình tại xã Trà Nam với 22 hộ đăng ký thoát nghèo tham gia; thành công bước đầu là vận động người dân đóng góp 10 hecta đất, làm rào chắn khu vực chăn nuôi bằng lưới B40; các hộ tích cực đóng góp kinh phí, ngày công để hoàn thành mô hình. Khu vực chăn nuôi được Hội mời cán bộ có chuyên môn đánh giá, rà soát, đề xuất lựa chọn đảm bảo đồi dốc, nguồn nước; vận động làm được 02 chuồng trại kiên cố che mưa, nắng với tổng diện tích 400m2/2 chuồng.
Theo chị Vũ Thị Như Thuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện: “Để có cơ sở triển khai mô hình sinh kế nuôi dê sinh sản, Hội LHPN huyện đã tiến hành khảo sát tại các địa phương. Tại thôn 2 và thôn 3 - xã Trà Nam có nhiều hộ gia đình chăn nuôi dê sinh sản phát triển tốt, có hộ lên tới 20 con, thu nhập hàng năm gần 300 triệu đồng. Từ thực tế đó, Hội LHPN huyện đã lấy ý kiến hội viên phụ nữ và nhận được sự đồng thuận, do đó Hội quyết định xây dựng đề án và triển khai mô hình tại địa phương này”.
Những hiệu quả bước đầu
Từ trên 100 con dê giống ban đầu, với mức hỗ trợ 05 con/hộ, đến nay mô hình thuộc 02 nhóm hộ đang quản lý, chăm sóc đàn dê lên tới gần 200 con lớn nhỏ, cho thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/năm/ nhóm hộ. Việc hình thành và nhân rộng mô hình nuôi dê tại đây không những tạo việc làm cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, mà còn là là nguồn thu quan trọng để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điều đáng ghi nhận là, các hình thức hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án đều xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của người hưởng lợi. Nói cách khác, các hình thức hỗ trợ đều do chính đồng bào vùng dự án đề xuất, ban quản lý dự án chỉ tiến hành thẩm định và thực hiện đầu tư.
Từ cách làm hiệu quả, mới đây mô hình này được đoàn công tác của Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam thăm và kiểm tra; qua đi thực tế và đánh giá mô hình giảm nghèo, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam thống nhất hỗ trợ tại xã Trà Nam 01 mô hình nuôi dê với số tiền 500 triệu đồng với cách làm tương tự như mô hình của Hội LHPN.
Với nhiều yếu tố thuận lợi, địa hình thích hợp, cùng nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, đàn dê tại các khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã Trà Nam, huyện Nam Trà My đang trở thành kỳ vọng thoát nghèo cho phụ nữ Xê Đăng nơi đây.