Hội LHPN Việt Nam triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ tham gia nền kinh tế xanh

10/09/2024
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương, phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đóng góp vào phát triển xanh, bao trùm và bền vững.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (Áo dài vàng) cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp xanh của phụ nữ

Tại Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11 với chủ đề "Kinh tế xanh và đóng góp của phụ nữ", sáng 10/9, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương đã trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”. Thực tế cho thấy hiện nay vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh vẫn chưa được ghi nhận và phát huy đầy đủ do những định kiến về giới.

Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, cùng với nỗ lực chung của hệ thống chính trị, Hội LHPN Việt Nam (Hội) đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển xanh nói chung và kinh tế xanh nói riêng. Nội hàm của kinh tế xanh được các cấp Hội thúc đẩy thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Hiện nay, Hội là một thành viên hết sức tích cực trong việc tham gia thực hiện 3 Chương trình MTQG của Việt Nam và 2 Đề án Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

Phó Chủ tịch Trần Lan Phương chia sẻ về “Vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”

Trong những năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào phát triển kinh tế xanh của đất nước, cụ thể như: 

Thứ nhất, Hội triển khai nhiều giải pháp đa dạng, hiệu quả để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, đồng hành cùng nữ doanh nhân phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Nhiều sáng kiến, ý tưởng về “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, mô hình “phụ nữ sống xanh” được phụ nữ cả nước hưởng ứng. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp qua các năm đã khuyến khích chị em cả nước tham gia, trong đó có các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh.

Thứ hai, Hội hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn – xanh, gắn với nông nghiệp bền vững, các mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để phát triển sinh kế, mô hình tận dụng vật liệu tái chế (như biến rác thành Bảo hiểm y tế, thành Sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo) được xây dựng và nhân rộng ở nhiều địa phương.

Thứ ba, trong những năm gần đây, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, vì mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Thứ tư, Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng, trong đó có các định chế tài chính lớn như NHNN&PTNT Việt Nam, NHCSXH… để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với vốn tín dụng xanh để phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường hoạt động giáo dục tài chính toàn diện cho hội viên, phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng xanh.

Thứ năm, Hội đẩy mạnh việc kết nối, phối hợp với các tổ chức, nhất là các tổ chức đại diện cho doanh nhân, nữ doanh nhân như Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam để triển khai các hoạt động, sáng kiến nhằm phát huy vai trò tiên phong của doanh nhân, nữ doanh nhân trong phát triển kinh tế xanh, điển hình là các hoạt động thúc đẩy thực hành bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp – ESG, quyết tâm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ xanh có giá trị vượt trội và có trách nhiệm với môi trường.

Phó Chủ tịch Trần Lan Phương cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước về kinh tế xanh thành các chương trình, kế hoạch hành động thiết thực của Hội. Đồng thời để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế xanh của Việt Nam, cần thúc đẩy một số giải pháp mang tính tổng thể như: (1) Nâng cao nhận thức, năng lực, trang bị cho phụ nữ kiến thức và kỹ năng về kinh tế xanh, hướng tới tăng việc làm xanh cho phụ nữ; (2) Tăng cường lồng ghép giới vào quá trình thiết kế, thực hiện và đánh giá các chính sách, chương trình, dự án về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, môi trường và biến đổi khí hậu; (3) Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, tín dụng và công nghệ xanh, trong đó chú trọng tới việc nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm tín dụng nhằm cung cấp các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, quản lý để tiếp cận công nghệ xanh; các khoản vay tiêu dùng xanh cho phụ nữ; (4) Phát huy sáng kiến của phụ nữ trong thúc đẩy văn hóa sống xanh, sản xuất kinh doanh xanh và tiêu dùng bền vững; (5) Tăng cường kết nối, hợp tác trong nước và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến phát huy vai trò của phụ nữ trong kinh tế xanh.  

Phó Chủ tịch Trần Lan Phương (Áo dài vàng) cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11 với chủ đề "Kinh tế xanh và đóng góp của phụ nữ"

“Phát triển kinh tế xanh, bền vững không thể thiếu vai trò của phụ nữ. Để phát huy tối đa tiềm năng, sự đóng góp của phụ nữ, chúng ta cần có sự chung tay, đồng hành của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế. Tôi mong rằng thời gian tới, chúng ta cùng hành động để tạo ra một môi trường bình đẳng và thuận lợi hơn cho phụ nữ tham gia, đóng góp hiệu quả vào kinh tế xanh, vào phát triển bền vững của đất nước”, Phó Chủ tịch Trần Lan Phương bày tỏ.

Với sự nỗ lực và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nêu trên, phụ nữ Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.

 

Ở Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ khoảng 62,6%. Tỉ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động của ngành nông nghiệp chiếm 47,4%; riêng tại các hợp tác xã, tỷ lệ này lên đến 80%; tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm 28,2%. Các số liệu này cho thấy Phụ nữ Việt Nam đang là lực lượng lao động chủ lực, có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 

Minh Trang

Video