Huế: Giữ nét hồn quê qua từng vành nón lá

30/11/2022
Nghề làm nón lá bắt đầu xuất hiện và phát triển khi thành lập làng Vân Thê, xã Thủy Thanh với khoảng từ 10-15 hộ sản xuất chủ yếu phục vụ cho người dân phụ nữ làm đồng áng, đi chợ… Trên địa bàn toàn xã Thuỷ Thanh nói chung, làng Vân Thê nói riêng hầu như nhà nào cũng chằm nón lá. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây do nhiều nguyên nhân, nghề nón/chằm nón lá dần bị mai một, chỉ còn lại một số hộ ở làng Vân Thê chằm nón lá.
Cơ sở nón lá của chị Nguyễn Thị Kiềm

Từ ý tưởng muốn khôi phục và phát huy nghề truyền thống của địa phương, cô Nguyễn Thị Kiềm, hội viên phụ nữ xã Thủy Thanh đã vận động một số hội viên, phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo, khuyết tật, phụ nữ nông nhàn, không có việc làm đến để tuyên truyền tiếp tục làm nghề nón, thành lập cơ sở nón lá với tên gọi là “Cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm”. Qua đó, vừa tạo việc làm, thu nhập cho các chị em phụ nữ vừa góp phần bảo tồn nghề chằm nón lá, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết đến nghề chằm nón lá tại các kỳ festival, Hội chợ…

Sản phẩm của cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh tiêu biểu trong nhiều năm (2015, 2017, 2021), tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như Festival Nghề truyền thống 2015, 2017, 2019 và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu là khách du lịch các tỉnh miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh.

Giờ đây, cô Kiềm đã khôi phục được nghề chằm nón để phục vụ khách du lịch và cung cấp nón cho các chợ trên địa bàn. Thêm nữa, du khách muốn trải nghiệm thì sẽ đến cơ sở làm nón để được hướng dẫn các công đoạn thực hiện và được trực tiếp tham gia làm nón, từ việc ủi lá, xếp lá, lên khuôn, chằm nón…

Chị Nguyễn Thị Kiềm - Chủ cơ sở Nón lá đang giới thiệu với du khách về các công đoạn làm nón lá

Để phát huy thế mạnh của địa phương, phát huy những nghề truyền thống, nghề nón/chằm nón lá ở xã Thủy Thanh hiện nay đã được nghiên cứu, trở thành điểm đến trong các tour du lịch. Du khách khi đến với làng nghề nón/chằm nón Vân Thê của xã Thủy Thanh sẽ được giới thiệu về ý nghĩa của chiếc nón Huế và các công đoạn làm nón lá. Sau khi được xem cách làm nón lá, du khách có thể tự tay làm nón qua sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Nhiều du khách sau khi tham quan tại đây đã đặt hàng và chọn mua sản phẩm để làm hàng lưu niệm. Để có được chiếc nón lá ưng ý đưa ra thị trường, các nghệ nhân làm nón lá phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của đôi tay người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, vẽ tranh, đến chằm hoàn thiện chiếc nón lá và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, đưa ra thị trường.

Một trong những ưu điểm của nghề, làng nghề tại địa phương đặc biệt so với các hoạt động kinh tế khác đó chính là giá trị xã hội của nghề. Mặc dù ngày công lao động của nghề không cao nhưng nghề đã tạo ra nhiều việc làm, trong đó phần lớn là lao động cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ, lao động nông nhàn... Nghề nón đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giảm bớt áp lực chuyển dịch lao động ra thành thị, đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn. Ngoài ra, sự phục hồi và phát triển nghề nón lá tại địa phương còn tạo cho sự phát triển của các ngành nghề kinh tế khác như sản xuất nguyên liệu, phát triển du lịch dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển đa dạng kinh tế nông thôn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Không chỉ góp phần bảo tồn được nghề chằm nón cho quê hương, cô Kiềm còn là một hội viên tiêu biểu luôn tham gia tích cực các hoạt động của Hội, là một tấm gương hội viên phụ nữ tiêu biểu của Hội phụ nữ xã Thủy Thanh.

Thùy Ni

Video