Lâm Đồng: Trần Thị Diện - Nữ doanh nhân hết lòng vì công nhân nghèo

18/11/2022
Ngày nay, phụ nữ không những đảm việc nhà mà nhiều người còn giỏi cả việc kinh doanh, khéo léo chèo lái đưa doanh nghiệp của mình cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. Ấn tượng hơn cả, còn có những nữ doanh nhân lấy việc giúp đỡ, cải thiện đời sống người lao động nghèo để làm mục tiêu hoạt động - bà Trần Thị Diện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đan len Quý Anh (TP Bảo Lộc) là một người như vậy.
Ngoài chất lượng sản phẩm thì đời sống công nhân luôn được bà Diện (bên phải) đặc biệt quan tâm.

Sau gần 30 năm làm việc ở một công ty dâu tằm tại TP Bảo Lộc, đảm nhận nhiều vị trí từ chuyên môn cho đến quản lý, đặc biệt là gần 20 năm làm công tác công đoàn, bà Trần Thị Diện - Giám đốc HTX Đan len Quý Anh thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn, thiệt thòi của người lao động. Do phần lớn lao động xuất phát từ nông thôn, trình độ học vấn chưa cao, những hiểu biết về quyền lợi, pháp lý còn hạn chế khiến nhiều người gặp bất lợi trong đàm phán lương thưởng và các chế độ phúc lợi cho bản thân, “nhiều khoản đãi ngộ của công nhân, đặc biệt là với nữ, bị thanh toán chậm, thậm chí không được hưởng trong nhiều trường hợp” - bà Diện nói.

Nghĩ về quãng thời gian ở công ty cũ, bà Diện nhớ như in trường hợp của một đồng nghiệp nữ - một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không may mất khi sinh con. “Mặc dù đã đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, thế nhưng, để có được những chế độ tử tuất và những hỗ trợ để người thân có thêm điều kiện để nuôi con thì người chồng đã phải ngược xuôi cầu chỗ này, xin chỗ nọ do thiếu thông tin và hiểu biết về quy trình và thủ tục” - bà Diện kể. 

Và còn rất nhiều câu chuyện thiệt thòi khác của công nhân. Cùng những lần bắt gặp hình ảnh của những người phụ nữ khắc khổ, những bà mẹ đơn thân rụt rè xin việc, chỉ mong có được thu nhập ổn định nhưng lại không có đủ điều kiện đành lủi thủi quay về. Những hình ảnh đó đã thôi thúc bà nghĩ về một “con dấu tròn” để những người lao động nghèo và cả những phụ nữ khó khăn có thể nương tựa kiếm sống. Năm 2012, nhận quyết định nghỉ hưu từ cơ quan, sau hơn hai năm ấp ủ ý tưởng, năm 2015, HTX Quý Anh chính thức được thành lập.

Những ngày đầu thành lập, bà Diện quay cuồng với muôn vàn khó khăn. Nguồn vốn, máy móc, nhà xưởng, nhân lực, đối tác... mọi thứ đều thiếu thốn. HTX mới như con thuyền nhỏ ra sông với nhiều lỗ thủng, vá chỗ này lại hổng chỗ kia. Nhưng, với bản tính kiên định và quyết đoán, bà không chùn bước và tập trung tìm giải pháp, mạnh mẽ vượt qua những cản trở, khó khăn. Với 240 triệu đồng vay từ nguồn Quỹ Tín dụng, Liên minh HTX... cùng số tiền 300 triệu đồng mà bà tích góp bấy lâu nay, bà Diện lần lượt giải quyết từng vấn đề, rồi tập trung xây dựng chất lượng sản phẩm, thương hiệu cho HTX. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn, bà tin rằng “chính sự đồng lòng, yêu thương, đùm bọc, phấn đấu sản xuất, và tích cực cải thiện chất lượng của các thành viên đã giúp HTX vượt qua thời gian đó”. 

Từ 20 công nhân ban đầu, đến nay, HTX đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 120 công nhân với nhiều cơ sở sản xuất, không chỉ ở Bảo Lộc mà còn ở Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đức Trọng và Đà Lạt. Doanh thu mỗi tháng của HTX đạt từ 700 đến 800 triệu đồng, giúp mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ghi nhận những đóng góp của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm qua, bà Diện đã được biểu dương là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh nhà. 

Để có thành quả đó, “ngoài kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, rõ ràng, HTX đã không ngừng cải tiến, đào tạo nâng cao tay nghề, đặc biệt hơn cả là quan tâm, chăm lo đời sống cho công nhân, từ đó, anh chị em yên tâm, chủ động và đồng lòng sản xuất. Do vậy mà tôi không phải lo lắng nhiều về chất lượng sản phẩm, tiến độ sản xuất” - bà Diện chia sẻ.

Không dừng lại ở việc đảm bảo thu nhập và môi trường làm việc, HTX Đan len Quý Anh còn giúp đỡ và chia sẻ gánh nặng với những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài đào tạo nghề miễn phí, HTX còn cho những công nhân nghèo mượn máy móc, thiết bị, linh hoạt thời gian sản xuất. Nhờ đó, đời sống của nhiều công nhân được cải thiện, con em người lao động có điều kiện để học tập và phát triển. 

Chia sẻ về những kế hoạch tương lai, với phương châm “chậm mà chắc” bà Diện tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, quy trình và đào tạo tay nghề thay vì mở rộng ồ ạt để tránh rủi ro không cần thiết. “Để gìn giữ những giá trị cốt lõi và phương châm hoạt động của mình, Quý Anh tập trung phát hiện và bồi dưỡng các nhân tài trẻ trong đơn vị để xây dựng thế hệ lãnh đạo tiếp theo” - bà Diện nhấn mạnh. 

Sau hơn 6 năm vất vả chèo lái con thuyền Quý Anh, nay, mặc dù tuổi đã ngoài 60, bà Diện vẫn còn đầy nhiệt huyết và hăng hái với những tâm huyết của mình. Và hơn hết, bà tự hào với những gì mình đã gầy dựng, “hạnh phúc hơn cả chính là niềm vui của những công nhân khó khăn nay đều đã có được cuộc sống ổn định”. Vì sau cùng “cải thiện đời sống công nhân mới là mục đích” bà thành lập HTX này. 

https://hlhpn.lamdong.gov.vn/

Video

Thăm dò ý kiến

Tham gia đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

  • Đồng ý
  • Khác
Xem kết quả