Mẹ đơn thân vượt qua định kiến trở thành chủ homestay

28/10/2022
Là người tiên phong xây dựng mô hình homestay tại xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào năm 2020, chị Sầm Thị Tâm vấp phải không ít khó khăn. Nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, không ngừng phấn đấu vươn lên, đến nay Homestay Bản Mường của chị đã thu hút được một lượng khách lưu trú đáng kể, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách dừng chân tại đây.
Chị Sầm Thị Tâm (ở giữa) tại homestay Bản Mường

Chị Sầm Thị Tâm là một trong những học viên tiêu biểu trong khóa tập huấn về Công tác quản lý, phát triển du lịch cộng đồng dành cho cán bộ địa phương và các chủ hộ làm du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Yên Bái thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổ chức Friedrich Naumann Foundation For Freedom (FNF) đợt tháng 9 vừa qua.

Chị Tâm chia sẻ, chị lấy chồng từ năm 16 tuổi và ly hôn do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Lúc bấy giờ, ở trong bản việc phụ nữ ly hôn vẫn còn vấp phải nhiều định kiến và rào cản. Ban đầu, gia đình cũng phản đối nhưng sau khi chứng kiến cuộc sống không hạnh phúc của con, bố mẹ chị cũng ủng hộ.

Hình ảnh về khóa tập huấn tại thị xã Nghĩa Lộ từ 12/09-14/09/2022

Khi có dịp sang các xã Nghĩa An và Nghĩa Lợi trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, chị thấy mô hình kinh doanh homestay ở đây rất phát triển trong khi ở xã Nghĩa Phúc nơi chị sống chưa có mô hình homestay nào. Trở về, chị đã mạnh dạn tiên phong xây dựng mô hình homestay trên mảnh đất của bố mẹ mình để giới thiệu văn hóa và ẩm thực dân tộc Mường đến với du khách, đồng thời có thêm nguồn thu nhập để nuôi các con.

Chị bắt đầu mở homestay Bản Mường vào năm 2020. Lúc mới mở, chị gặp rất nhiều khó khăn do mô hình còn mới và chưa được nhiều du khách biết đến. Bản thân chị chưa từng được học bài bản về quản trị du lịch hay khách sạn, những kinh nghiệm chị có được đa phần đến từ trải nghiệm cá nhân khi tham quan mô hình ở những nơi khác. Sau khi đón được một vài đoàn khách thì dịch Covid-19 nổ ra, ngành du lịch bị đóng băng và chị phải đóng cửa homestay một thời gian dài. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với chị.

Chị Tâm chuẩn bị những món ăn mang đậm văn hóa của người Mường để giới thiệu tới du khách

Khi ngành du lịch bắt đầu hoạt động trở lại, chị Tâm tích cực tham gia các khóa tập huấn về du lịch cộng đồng trên địa bàn do Hội phụ nữ tổ chức với mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ cho homestay của mình. Trong khóa tập huấn về Công tác quản lý, phát triển du lịch cộng đồng dành cho cán bộ địa phương và các chủ hộ làm du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ, chị được các cán bộ quản lý địa phương cập nhật những chính sách mới nhất về quản lý mô hình homestay trên địa bàn, những chủ trương, chính sách phát triển homestay của địa phương. Chị cũng được học những kỹ năng về quản lý homestay và cách đón tiếp khách sao cho chuyên nghiệp và chu đáo nhất.

Chị Tâm cho biết, điều chị thấy thích nhất trong khóa tập huấn này là việc chị được gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với những chủ homestay khác trên địa bàn, những người đã có kinh nghiệm đi trước chị cả chục năm. Những kinh nghiệm thực tế và chia sẻ của họ là bài học quý giá để chị có thể áp dụng ngay vào mô hình homestay của mình. Sau khóa tập huấn, chị chia sẻ lại kiến thức cho nhân viên phục vụ và cho những người thân trong gia đình để mọi người biết cách đón tiếp và phục vụ khách được chu đáo hơn.

Thời điểm mùa du lịch cao điểm nhất ở Nghĩa Lộ từ tháng 9 đến giữa tháng 10, homestay của chị có thể tiếp đón lên đến 500 lượt khách/ngày. Mỗi lượt khách đến với homestay của chị đều có dịp thưởng thức những món ăn mang đậm văn hóa dân tộc Mường, trải nghiệm ngủ nhà sàn cộng đồng và thưởng thức những điệu múa truyền thống đặc sắc.

Du khách khi đến với Homestay Bản Mường sẽ được thưởng thức những điệu múa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường

Chị nhận thức rằng khi mình đón tiếp khách với chính cái tâm của mình thì sẽ luôn được khách yêu mến, ủng hộ và giới thiệu cho bạn bè của họ. Chính bởi sự đón tiếp chu đáo, chăm sóc khách tốt, giá cả dịch vụ phải chăng nên homestay của chị nhận được những phản hồi tích cực. Hiện nay, đa phần khách đến với homestay Bản Mường đều thông qua bạn bè, người thân và khách cũ giới thiệu.

Chị Tâm mong muốn trong thời gian tới tiếp tục được Hội quan tâm, hỗ trợ cho chị tham gia thêm những khóa tập huấn về quảng bá homestay đến với du khách để những người mới làm homestay như chị có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng bổ ích, góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển

Video

Thăm dò ý kiến

Tham gia đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

  • Đồng ý
  • Khác
Xem kết quả