Mô hình làm bánh lá truyền thống của phụ nữ Đồng Xoài, Bình Phước

Mô hình đã giúp chị em phụ nữ trong khu phố biết gói bánh và tranh thủ thời gian tham gia làm bánh cùng gia đình chị Điệp, vừa tăng thu nhập, vừa góp phần gìn giữ và truyền nghề làm bánh lá truyền thống của địa phương.
Khi có khách đặt hàng với số lượng lớn hoặc đến ngày rằm, ngày lễ là gia đình chị Đặng Thị Điệp bắt đầu công việc gói và nấu bánh lá. Tùy theo yêu cầu và thời điểm mà chị chọn loại bánh để làm, nhưng chủ yếu là bánh chưng, bánh tét và bánh ít lá gai. Để tạo ra những chiếc bánh ngon, giữ được hương vị truyền thống thì tất cả đều được làm bằng hình thức thủ công, lá dong được dùng để gói bánh chưng, bánh tét, lá gai tươi để làm bánh ít lá gai.
Để có những chiếc bánh thơm ngon đến tay người dùng phải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng với đôi bàn tay khéo léo của người làm. Các nguyên vật liệu được chuẩn bị sẵn sàng, phân công hợp lý ở các khâu trộn nhân, giã bột, gói bánh và nấu bánh. Công đoạn nào cũng quan trọng và chị Điệp người đã có kinh nghiệm làm bánh truyền thống mấy chục năm qua đảm nhận vai trò quán xuyến, giám sát, hướng dẫn. Thời gian cao điểm bận rộn nhất là vào dịp lễ, Tết, có nhiều đơn đặt của khách. Đối với ngày thường thì chị Điệp gom đơn đặt hàng qua mạng và tổ chức gói bánh theo từng đợt. Người mua bánh đa số là khách quen và thích hương vị bánh do gia đình chị làm. Công việc mang lại cho chị và chị em nguồn thu nhập tăng thêm, trang trải cuộc sống.
Mô hình làm bánh lá của chị Điệp cùng một số hội viên trong chi hội phụ nữ khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện đã có hơn 5 năm, được duy trì và phát triển cùng sự hỗ trợ tích cực từ những người thân trong gia đình và sự tham gia của hội viên trong chi hội.
Mô hình góp phần tạo thêm việc làm cho hội viên chi hội và giữ gìn, truyền nghề làm bánh lá truyền thống. Điều làm chị cảm thấy vui là con gái, con dâu của chị đều đã học được nghề làm bánh và bí quyết để có những chiếc bánh ngon cùng mong muốn tiếp tục nối tiếp mẹ để gìn giữ nghề để nó không bị mai một, lãng quên.