Nam Định: Mô hình “Cá trắm kho Rạng Đông” mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên, phụ nữ
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho địa phương có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân đã chuyển đổi đưa nhiều giống cá vào nuôi thử nghiệm, trong đó cá trắm đen là loài dễ nuôi, có khả năng sống trong môi trường nước nhiễm mặn nhẹ, mang lại giá trị cao, có thị trường tiềm năng. Nhận thấy lợi thế nuôi cá trắm đen tại địa phương, với giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu sử dụng đa dạng phong phú, chị Trần Thị Loan, hội viên chi hội phụ nữ tổ dân phố 11, thị trấn Rạng Đông đã trăn trở tìm đầu ra cho cá trắm đen thương phẩm. Qua học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, với tâm huyết mang sản phẩm sạch của quê hương đến với bữa ăn hàng ngày của mọi người, mọi nhà, chị Loan đã xây dựng kế hoạch và thực hiện các bước để sản xuất cá trắm đen kho đạt tiêu chuẩn VietGap.
Với nguồn vốn của gia đình và được Hội LHPN thị trấn hỗ trợ tiếp cận với các nguồn vốn vay của Ngân hàng, gia đình chị đã xây dựng mô hình, đồng thời kết hợp với các hộ gia đình khác tại địa phương nuôi cá trắm đen theo đúng tiêu chuẩn quy trình VietGap để chế biến thành các sản phẩm đa dạng. Mặc dù lúc đầu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng với sự quyết tâm, chủ động nghiên cứu, học hỏi từ các mô hình tại địa phương khác và tích cực tham gia các buổi tập huấn kiến thức quản lý kinh tế, kỹ thuật chăn nuôi chị Loan đã quyết tâm xây dựng thương hiệu “Cá trắm kho Rạng Đông”. Thương hiệu được đẩy mạnh nhờ quảng cáo trên các trang mạng xã hội và địa bàn Hà Nội nhằm giới thiệu sản phẩm, với thực đơn đa dạng, phong phú từ cá trắm đen như: cá kho, ruốc cá, lẩu cá... Tháng 12/2020, các sản phẩm mang thương hiệu “Cá trắm kho Rạng Đông” được Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thuỷ sản Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.
Sản phẩm “Cá trắm kho Rạng Đông” đạt tiêu chuẩn VietGap
Hàng năm gia đình chị vừa đánh bắt, vừa tiêu thụ sản phẩm của bà con địa phương từ 2-3 tấn cá trắm đen thương phẩm (loại từ 5 - 7kg/con), sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm và thường xuyên tạo việc làm cho 3 lao động có thu nhập trung bình 6,5 triệu đồng/tháng.
Việc thu mua cá trắm thương phẩm của gia đình chị Loan đã giải quyết vấn đề đầu ra cho các hộ nuôi thuỷ sản cá trắm đen tại địa phương; giúp thay đổi nhận thức của các hộ nuôi trồng thuỷ sản về mô hình nông nghiệp sạch, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thị trấn.