Người phụ nữ Dao bước qua định kiến hôn nhân lạc hậu để thay đổi cuộc đời

31/07/2024
Chị Lý Mùi Phin là người dân tộc Dao đỏ, từng phải đối mặt với sự sắp đặt hôn nhân gượng ép theo phong tục ở quê nhà. Nhưng chị đã từ chối, mạnh mẽ bước qua định kiến hôn nhân lạc hậu và rời quê nhà xuống Hà Nội lập nghiệp đầy gian nan.
Chị Lý Mùi Phỉn đã mạnh dạn bước qua những định kiến lạc hậu để thay đổi cuộc đời

Năm 15 tuổi, Lý Mùi Phỉn (sinh năm 1986, ở thôn Lũng Luông, xã Trương Lương, huyện Hòa An, Cao Bằng) bị bố mẹ ép gả chồng theo phong tục của dân tộc, nhưng chị cương quyết từ chối làm theo ý bố mẹ, khiến gia đình không hài lòng.

Chị Phỉn đã bắt xe khách vào tỉnh Đắc Lắc tìm người cô ruột để chạy trốn cuộc hôn nhân gượng ép. Đến khi qua ngày hẹn cưới, chị mới dám về nhà, rồi tiếp tục đi học trường nội trú ở thành phố Cao Bằng. Năm 2008, chị Phỉn tốt nghiệp THPT Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng, nhưng không có điều kiện để đi học lên tiếp. Chị đã đi làm nhân viên bưng bê, rửa bát ở một nhà hàng dưới Hà Nội để nuôi chí học hành.

Năm 2011, khi biết có chương trình hỗ trợ sinh viên vay kinh phí đi học, chị Phỉn đã quay lại quê nhà làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, rồi đăng ký vào học trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trong 2 năm đi học trung cấp, để có tiền ăn học, chị Phỉn làm thuê đủ nghề, miễn sao có tiền ăn học, thỏa nguyện ước theo nghề y học cổ truyền. Nhưng đã có lúc chị ở vào hoàn cảnh kiệt quệ, tưởng như việc học sẽ bị lỡ dở.

Chị Phỉn cho biết: "Có những lúc tôi chỉ còn 5 nghìn đồng trong túi, trong khi đó tiền gửi xe đạp đã mất 1 nghìn, còn lại 4 nghìn đồng tôi mua 2 gói mì tôm để nấu canh ăn cơm. Gần ngày đi thực tập nhưng chưa có tiền nộp học phí, tôi có ý định bảo lưu kết quả học tập để đi làm, khi có tiền sẽ quay lại học tiếp. Nhưng may mắn có người bạn đã mượn tiền giúp tôi đóng học phí. Nhờ vậy, tôi mới được đi thực tập và ra trường đúng hạn”.

Sau khi có tấm bằng Trung cấp Y sĩ cổ truyền, chị Phỉn về quê mở phòng chăm sóc sức khỏe xoa bóp bấm huyệt. Được 1 năm thì cơ sở của chị bị “vỡ trận”, chị đành bán cửa hàng đi theo chồng về làm nông nghiệp và chăn nuôi, nhưng cũng không thành công.

Chị Phỉn lại thuyết phục chồng quay lại thành phố Cao Bằng mở cửa hàng xoa bóp bấm huyệt. Lúc này khá đông khách, nhưng do không thạo quản lý, nên doanh thu vẫn bị âm, lại một lần nữa vợ chồng chị bị phá sản.

Gia đình hạnh phúc của Chị Lý Mùi Phỉn và anh Triệu Văn Bằng

Sau đó, chị Phỉn lại bàn với chồng quay lại Hà Nội, lúc này hoàn cảnh rất khó khăn, anh Triệu Văn Bằng phải đi chạy Grab, còn chị Phỉn thì đi phụ việc bán hàng online.

Từ đó, chị Phỉn học được kinh nghiệm bán hàng online. Theo chị, bán hàng online thì không phải thuê cửa hàng, không phải bỏ nhiều vốn nhập hàng, chỉ cần bán hàng chuẩn, đảm bảo chất lượng thì sẽ tạo nên uy tín và thương hiệu.

Công việc mỗi ngày một tốt hơn, vợ chồng chị Phỉn đã mở rộng thêm các mặt hàng kinh doanh, sau vài năm gia đình chị đã mua được căn nhà chung cư ở Hà Nội để an cưu lạc nghiệp.

Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: “Nếu năm xưa tôi không mạnh dạn bước qua những định kiến lạc hậu ấy, thì có lẽ giờ tôi vẫn là một người nông dân chân lấm tay bùn ở dưới chân núi nơi quê nhà, và chắc chắn cũng sẽ không có những sản phẩm hàng hóa truyền thống của quê tôi được đưa ra thị trường như hôm nay".

Chị Phỉn vẫn đặt mục tiêu phát triển trà thảo dược truyền thống để góp phần giúp đỡ người dân nơi quê nhà và quảng bá sản phẩm của dân tộc mình

Cho đến nay, mặc dù kênh bán hàng online của vợ chồng chị khá ổn định, nhưng chị vẫn chưa muốn dừng ở đó. Mục tiêu của chị là sẽ sáng chế ra sản phẩm trà thảo dược mang thương hiệu của quê hương mình. "Chỉ như vậy, thì mới có thể phát triển ổn định và bền vững, tạo ra việc làm cho những người dân bản ở quê hương mình”, chị Phỉn chia sẻ.

Theo: http://phunuvietnam.vn/

Video