Người phụ nữ Tà riềng lưu giữ thổ cẩm của làng qua khung dệt

13/02/2023
Trong cái nắng ấm áp đầu xuân 2023, chúng tôi theo QL14D trải theo dòng sông Thanh rồi ngược lên về phía Tây Bắc khoảng 75 km là đến được Đắc Tôi - một xã biên giới giáp với nước bạn Lào; rồi theo chân cán bộ văn hoá xã Đắc Tôi về thôn Đắc Tà Vâng để gặp chị Tơ Ngôl Vang tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của tộc người Tà Riềng.
Chị Tơ Ngôl (trái ảnh) trong 1 lần thi tay nghề dệt thổ cẩm do xã Đắc Tôi tổ chức.

Thấy có khách, chị Tơ Ngôl Vang (48 tuổi) bước xuống bậc cầu thang nhà sàn, tươi cười chào rồi mời chúng tôi vào nhà. Chị Vang chia sẻ: Từ xưa đến nay, nghề dệt của người Tà Riềng luôn được các thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau, vì thế nên trang phục của người Tà Riềng đã được gìn giữ đến hiện nay, đặc biệt là những nét độc đáo trong kỹ thuật dệt và nhuộm sợi. Chị cho biết mỗi khi được bà con trong làng đặt hàng như tấm địu trẻ em, khố, váy ... về để mặc vào những dịp lễ hội hay tấm choàng rộng đắp cho ấm trong những mùa mưa rừng Trường Sơn đã khiến chị rất vui, bởi bà con vẫn còn dùng trang phục truyền thống dân tộc mình.       

Nhờ tính cần cù, chịu khó, lại tỉ mỉ, khéo léo, chị Tơ Ngôl Vang là người phụ nữ Tà Riềng góp phần lưu giữ và làm giàu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống trong trang phục của cộng đồng Tà Riềng.

Làm quen với khung dệt lúc 12-13 tuổi, chị Tơ Ngôl Vang giờ đã hơn 47 mùa rẫy, trải qua nhiều thăng trầm với khung dệt, sợi bông. Sau một thời gian dài bị gián đoạn vì cuộc sống bận rộn, vất vả mưu sinh, từ năm 2010 đến nay, cùng với cồng chiêng, múa xoang và những giai điệu đàn hát dân ca, chị thêm say mê với thổ cẩm của làng qua khung dệt. Từ khung dệt, với đôi bàn tay khéo léo của mình, chị Vang đã tạo nên những tấm vải thổ cẩm mang đậm bản sắc của dân tộc Tà Riềng hoàn thiện, bền đẹp với họa tiết thường là dải hoa văn màu đỏ, vàng được trang trí dọc theo chiều dài tấm vải, đến những họa tiết xen kẽ tạo viền ngoài hài hoà và độc đáo. Trang phục của dân tộc Tà Riềng mà có nhiều phần màu đỏ, vàng thì rất quý và giá trị. Mỗi tấm thổ cẩm dài 3m, rộng 1,5m, nếu chị Vang ngồi dệt liên tục, thì cũng phải mất từ 12 – 14 ngày, nếu vừa dệt vải, vừa làm việc nương rẫy nữa thì phải mất hơn 1 tháng thì mới hoàn thành. Nghề dệt cũng đã giúp chị Vang có thêm thu nhập, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn trước, tạo động lực, khơi gợi sự đam mê cho các con tiếp nối nghề truyền thống của dân tộc Tà Riềng.

Chị Tơ Ngôl chia sẻ về cách phối chỉ trên nền thổ cẩm.

Vì quá yêu nghề nên mỗi lần điệu con lên rẫy, chị Tơ Ngôl Vang không quên mang theo khung dệt, sợi bông và các vật dụng khác để phục vụ dệt vải ở cái chòi phía sau rẫy. Bên cạnh khung dệt, là cái võng nhỏ để vừa đưa võng hát ru cho con ngủ, vừa dệt vải. Ngoài ra, chị Vang còn sưu tầm và lưu giữ được nhiều vật dụng liên quan đến nghề dệt như: quay sơi, tách bông, đồ đựng bông, lông con nhím, sáp ong, con dao nhỏ cắt chỉ đến một số loại củ (vỏ) cây rừng dùng để chế suất màu…

Chị Vang chia sẻ, mong muốn của chị là lớp trẻ Tà Riềng trong thôn/làng sẽ giữ được nhiệt huyết, niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc; các cơ quan chức năng quan tâm mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho lớp trẻ, để bản sắc văn hóa truyền thống của người Tà Riềng tiếp tục được gìn giữ, phát huy.

Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi Zơ Râm Minh cho biết: Nhiều năm qua, để gìn giữ và phát huy nghề dệt thủ công truyền thống tại địa phương, cấp uỷ và chính quyền địa phương đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích các nghệ nhân dệt thổ cẩm, trong đó có chị Tơ Ngôl Vang ở thôn Đắc Tà Vâng truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhất là các con cháu trong gia đình. Hằng năm, vào những dịp tổ chức ăn mừng lúa mới, Ngày hội Đại đoàn kết, mừng Ngày Quốc khánh (2-9), mừng Ngày thống nhất đất nước (30-4)..., xã Đắc Tôi thường lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Diễn tấu cồng chiêng, hát múa, thổi đinh tút, thi ẩm thực, thi tay nghề rèn, thi dệt thổ cẩm, điêu khắc tượng gỗ, đan lát luôn được mọi người dân trong xã tham gia nhiệt tình, đông đảo. 

Việc phát huy giá trị nghề dệt của người Tà Riềng, qua nhiều thế hệ rất quan trọng và cần thiết. Nó sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc Tà Riềng trước nguy cơ bị mai một.

Nguyễn Văn Sơn

Video

Thăm dò ý kiến

Tham gia đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

  • Đồng ý
  • Khác
Xem kết quả