Những nữ doanh nhân Việt gặt hái thành công trên sàn Amazon
Chập chững khởi nghiệp bằng một công ty kiến trúc, bà Phù Minh Thủy - Phó giám đốc Kinh doanh, đồng sáng lập Công ty HMGpop chia sẻ bà và chồng đã nhận được những bài học vỡ lòng trong phát triển doanh nghiệp với liên tiếp thất bại. Cho tới tận năm 2012, khi ngành bất động sản bắt đầu đi xuống, vợ chồng bà rẽ hướng sang thiết kế và sản xuất thiệp 3D, đẩy mạnh việc bán hàng trên các kênh trực tuyến. Nhận thấy tiềm năng phát triển của mặt hàng thiệp 3D tại các thị trường nước ngoài vốn rất coi trọng văn hóa tặng quà vào các dịp lễ đặc biệt trong năm, công ty của bà đã lựa chọn sàn thương mại điện tử Amazon để đưa sản phẩm ra toàn cầu.
“Phải thú thực là để HMGpop được gắn mác Amazon's Choice như hiện tại, mình cũng mất thời gian làm quen với việc vận hành doanh nghiệp trên Amazon và học cách tối ưu danh mục bán hàng”, bà Thủy cho hay.
Sau nhiều năm kinh doanh, mặt hàng thiệp 3D của HMGpop thu hút sự quan tâm đông đảo, thường xuyên giữ vị trí top đầu tại mục Thiệp. Đỉnh điểm có những ngày giao dịch lên tới 1.300 đơn hàng. HMGpop cũng ghi nhận mức tăng trưởng trên Amazon vào năm 2020 so với năm 2019 là 100%, và doanh số từ Amazon chiếm 30% tổng doanh thu của công ty.
Nhớ lại quảng đường đưa HMGpop đạt phong độ như hiện tại, bà Thủy nói: "Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là đối với những người phụ nữ". Bởi bà quan niệm, những người phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo cần sở hữu kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả để cân bằng giữa công việc và gia đình. Họ không chỉ làm hài lòng khách hàng, đối tác và nhân viên mà còn chăm lo được cho tổ ấm nhỏ của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, bà cũng cho rằng phụ nữ có những lợi thế rất riêng để tỏa sáng. “Chính những đức tính như sự mềm mại và linh hoạt trong giao tiếp, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong công việc, cũng như khả năng vận dụng trực giác nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường sẽ là bàn đạp đưa phụ nữ tiến xa trong cuộc đua kinh doanh khốc liệt.”, bà phân tích.
Với mặt hàng thiệp, đỉnh điểm có ngày bà Thuỷ phải giao dịch đến 1.300 đơn hàng trên Amazon
Góp mặt trong danh sách các doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt được thành công đáng nể trên nền tảng Amazon là Tanisa, một công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu các loại đặc sản Tây Ninh và các sản phẩm chế biến từ gạo.
Đánh giá về vị trí của sản phẩm Made-in-Vietnam trên bản đồ thế giới, bà Trần Hạnh Thư - CEO Tanisa nhận định: nhiều thực phẩm Việt rất được lòng người tiêu dùng quốc tế nhờ hương vị độc đáo cùng vô số lợi ích về sức khỏe. Tuy nhiên, do việc xây dựng thương hiệu chưa được tốt nên không thể đạt độ phủ sóng tương đương mặt hàng sushi của Nhật hay kimchi của Hàn. Thậm chí, nhiều sản phẩm được đón nhận dưới tên thương hiệu của các quốc gia châu Á khác thực chất có xuất xứ từ Việt Nam. Chính điều này đã tạo động lực cho Tanisa theo đuổi khát vọng xuất khẩu hàng Việt với thương hiệu Việt Nam, đưa nhãn hiệu Việt vươn tầm quốc tế.
“Xuất khẩu qua các kênh B2B tuy mang lại doanh số lớn hơn nhưng không phải lúc nào cũng đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu Việt Nam đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Tanisa mong muốn. Trong khi đó, Amazon đã giúp Tanisa đạt được mục tiêu bán hàng với 100% sản phẩm mang thương hiệu Việt, đồng thời tạo ra một thế giới phẳng khác xa với cách bán hàng truyền thốnh. Ở đó, sản phẩm của Tanisa được vận chuyển từ xưởng tại Việt Nam trực tiếp đến với tay người tiêu dùng quốc tế. Đó là một trải nghiệm rất tuyệt vời”, vị nữ CEO Tanisa chia sẻ.
HMGpop và Tanisa chỉ là hai trong rất nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đang gây dựng tên tuổi thành công trên Amazon. Một khảo sát gần đây cho thấy các nữ doanh nhân đang góp phần đáng kể vào sự phát triển của Amazon khi có tới 42% doanh nghiệp đang bán hàng trên các cửa hàng trực tuyến của Amazon được điều hành bởi phụ nữ.