Nữ Giám đốc ngân hàng đồng hành cùng nông dân vùng núi Hoàng Liên

07/04/2023
Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trong trẻo, tràn đầy năng lượng khiến mọi người dễ mến và tin cậy, đó là nữ Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã Sa Pa-Lào Cai II Trần Thị Thanh Phương, với hơn 25 năm đồng hành cùng những người nông dân H’Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó… bên đại ngàn Hoàng Liên hùng vĩ.
Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc Agribank chi nhánh Sa Pa

Tôi gặp chị khi vừa từ bản Tả Van Mông trở về trụ sở ở số nhà 1, phố Cầu Mây, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, chị bảo đối với người làm tín dụng cho nông dân-nông nghiệp-nông thôn thì đó là việc bình thường hằng ngày, dù là Giám đốc chi nhánh, với 28 cán bộ, nhân viên dưới quyền.

Bởi theo chị, có đi mới thấy, mới sát, mới hiểu và tháo gỡ, xử lý kịp thời những phát sinh để thực sự đồng hành, làm “bà đỡ” mát tay cho khách hàng là bà con nông dân, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số còn vất vả, nhưng khát khao đổi thay cuộc sống, xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu trên chính đất đai quê hương xứ sở.

“Tôi cũng chẳng nhớ mỗi ngày hay mỗi tuần, mỗi tháng đi cơ sở bao nhiêu lần, hễ có việc hoặc có thời gian là về với bà con, với bản làng. Mỗi lần đi là mình học và nạp được nhiều thứ bổ ích lắm”, nữ Giám đốc cười xòa như một nông dân chính hiệu ở xứ sở sương mù này.

Chị Trần Thị Thanh Phương tốt nghiệp Cử nhân Học viện Ngân hàng Hà Nội, từ quê hương Hưng Yên lên miền núi cao Sa Pa sinh sống, lập nghiệp.

Sinh năm 1973, từ tháng 8/1998 đến nay, chị gắn bó với Sa Pa đã 25 năm mà vẫn như ngày đầu, vẹn nguyên nhiệt huyết và niềm đam mê đến trăn trở với nghề tín dụng, đem đồng vốn đến bà con nông dân bản địa và khách hàng đã chọn nơi này sinh cơ lập nghiệp.

Sa Pa có tới 25 dân tộc cùng chung sống, bà con nông dân sống ở các bản làng phân tán, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, đó là những thử thách không dễ vượt qua, nếu không gắn bó và đồng cảm, thương quý con người và mảnh đất nơi đây.

“Tôi lập nghiệp và trưởng thành ở mảnh đất này nên hiểu đời sống, phong tục tập quán và cái vất vả, gian khó của người nông dân vùng cao khi thiếu đồng vốn nên khó thoát khỏi vòng kim cô sản xuất tự sản tự tiêu, nghèo khó bủa vây”, chị Phương chia sẻ.

Từ đó, với vai trò Giám đốc, chị Phương cùng cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã Sa Pa-Lào Cai II xác định đối tượng phục vụ là tam nông, trực tiếp là bà con nông dân các dân tộc trên địa bàn.

Bám sát và tuân theo quy định của Nhà nước, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, chỗ nào khó thì báo cáo, vướng thì tích cực tháo gỡ để huy động và khơi thông dòng tiền, đưa đồng vốn đến tay người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tập trung vào chăn nuôi gia súc, cá nước lạnh, trồng rau và hoa cao cấp, làm du lịch cộng đồng…

Nữ giám đốc Trần Thị Thanh Phương cùng các cộng sự của Agribank chi nhánh thị xã Sa Pa đã triển khai rất nhiều sản phẩm, đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của khách hàng với gần 600 khách hàng vay là nông dân, Hội nông dân.

Agribank chi nhánh thị xã Sa Pa đã có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm, Agribank Sa Pa đã chuyển tải nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân và đẩy lùi “tín dụng đen”.

Ngoài nguồn vốn tín dụng ưu tiên cho sản xuất, Agribank Sa Pa đang tiếp tục mở rộng cho vay tiêu dùng, thời gian giải ngân nhanh, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, chính đáng của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, khu vực kinh tế khó khăn.

Đến hết ngày 20/2/2023, dư nợ hộ sản xuất nông lâm nghiệp là 655 tỷ đồng, hộ tiêu dùng đạt 125 tỷ đồng, bằng 19,2%.

Cùng với đó, những hộ thu nhập thấp không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay với thủ tục đơn giản.

Chi nhánh cũng phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng, bởi nông nghiệp là lĩnh vực vốn có rủi ro thiên tai bất khả kháng cao.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các lĩnh vực kinh doanh tại Sa Pa gắn liền với các hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, Agribank chi nhánh Sa Pa đã hỗ trợ giảm lãi cho gần 60 khách hàng, số tiền hỗ trợ giảm lãi là 381 triệu đồng, tổng dư nợ đã được miễn, giảm lãi là 190 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Agribank Sa Pa đã cho vay ưu đãi 164 tỷ đồng trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 103 tỷ đồng; các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ 38 tỷ đồng; khách sạn, nhà hàng 26 tỷ đồng...

Mức lãi suất cho vay mới ưu đãi giảm từ 1-4% so với lãi suất cho vay thời điểm trước khi có dịch, hơn 50 khách hàng đã và đang sử dụng nguồn vốn ưu đãi đạt hiệu quả giảm bớt áp lực chi phí trong hoạt động kinh doanh; từng bước hồi phục hoạt động kinh doanh.

Những con số có vẻ khô khan, nhưng tôi hiểu đó là minh chứng cho tấm lòng của những người làm tín dụng ở Agribank chi nhánh Sa Pa với bà con nông dân và khách hàng của mình.

Không chỉ quản lý giỏi, nữ Giám đốc Trần Thị Thanh Phương còn là "cây" sáng kiến trong thời điểm huy động vốn gặp khó khăn, do biến động kinh tế và thị trường.

Với sáng kiến thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư, tập trung vào các giải pháp: sắp xếp cán bộ, đổi mới cách thức tiếp cận khách hàng tiềm năng, giao khoán chỉ tiêu huy động, chăm sóc khách hàng…, Agribank chi nhánh Sa Pa đã bứt phá ngoạn mục, tổng nguồn vốn đến hết 31/12/2022 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 128 tỷ so với năm 2021; nguồn vốn bình quân/cán bộ cuối kỳ đạt hơn 42 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với năm 2021, bằng 161% so với bình quân chung toàn tỉnh.

Nhờ vậy, bảo đảm đời sống của cán bộ, nhân viên chi nhánh, ngoài lương theo quy định, còn có thêm 13,7 lương năng suất.

“Điều gì để lại ấn tượng nhất đối với chị trong suốt quá trình 25 năm ở Agribank Sa Pa và với 4 năm làm giám đốc?", tôi hỏi.

Không do dự, chị Phương bộc bạch: “Bên cạnh việc liên tục cập nhật đổi mới công nghệ, đó còn là văn hóa doanh nghiệp hình thành và được gây dựng, tạo nên sự khác biệt với các tổ chức tín dụng khác”.

Tôi nghĩ, điều đó đã góp phần tạo điều kiện củng cố vị thế và uy tín của sản phẩm Agribank trên thị trường, động lực thúc đẩy quá trình đổi mới, tạo nên sức hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng.

Và tôi tin, nữ Giám đốc Trần Thị Thanh Phương sẽ cùng Agribank chi nhánh Sa Pa tiếp tục đồng hành với bà con nông dân nơi đây tiến nhanh và bền vững về phía trước.

nhandan

Video