Nữ nông dân Thanh Hóa làm giàu từ hướng sản xuất mới an toàn thực phẩm
- Nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi ruồi lính đen
Nuôi ruồi lính đen để lấy nguồn thức ăn nuôi lươn, đó là mô hình khởi nghiệp, làm giàu trên quê hương của chị Cao Thị Tuyết (xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn).
Khi tìm hiểu thị trường, chị Tuyết nhận thấy các quán ăn nhà hàng phục vụ món lươn trên địa bàn khá nhiều nhưng nguồn cung cấp lươn còn hạn chế. Từ đó, chị đã tìm hỏi, học hỏi trên sách báo và quyết định thử nghiệm mô hình nuôi lươn thương phẩm kết hợp nuôi ruồi lính đen.
Chị Tuyết cho biết “ấu trùng của ruồi lính đen là sản phẩm có chất dinh dưỡng cao, giúp con lươn lớn nhanh không bệnh tật và đặc biệt chất lượng thịt thơm ngon, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm”. Vì vậy với mô hình nuôi ruồi lính đen để lấy trứng và ấu trùng phục vụ chăn nuôi lươn không chỉ giảm chi phí, tạo ra sản phẩm an toàn mà còn là một trong những biện pháp xử lý nguồn chất thải từ các nghề chế biến nông, lâm, thủy sản... góp phần bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định.
Trong quá trình nuôi lươn, chị Tuyết còn tận dụng cặn làm bùn, rau củ quả hư hỏng thu gom từ các quầy hàng cùng với phân gà, bã đậu làm thức ăn cho ấu trùng ruồi nên ít phát sinh chi phí. Hiện nay, sản phẩm lươn của gia đình chị chủ yếu bán cho các nhà hàng kinh doanh ăn uống, các bếp ăn tập thể, thương lái và cho chuỗi cửa hàng lươn cay xứ Nghệ trong và ngoài tỉnh.
Với hướng khởi nghiệp này, hàng tháng trừ chi phí, lợi nhuận chị Tuyết thu về từ 15-20 triệu đồng, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình.
Việc kết hợp nuôi ruồi lính đen trong chăn nuôi đã tạo ra một chuỗi thức ăn khép kín, có ý nghĩa trong việc ứng dụng các sinh vật tự nhiên vào chăn nuôi an toàn sinh học.
- Làm giàu từ nuôi chim bồ câu lai Pháp đảm bảo ATTP
Với mong muốn có được nguồn thực phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn cung cấp cho người tiêu dùng và hướng tới phát ngành nông nghiệp sạch bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, năm 2017 gia đình chị Nguyễn Thị Thu Nghìn (Thôn Yên Thịnh, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành) mạnh dạn đứng lên vận động một số chị em trong thôn cùng thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Duy Đạt. HTX đã góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương và giúp các thành viên có thu nhập khả quan.
Với nguồn vốn 2 tỷ đồng của 10 thành viên cùng góp và kinh nghiệm qua nhiều lần tham quan, học hỏi từ các địa phương, HTX đã quyết định áp dụng kỹ thuật nuôi chim bồ câu khép kín, được áp dụng chặt chẽ theo hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm quốc gia.
Hệ thống chuồng trại được đầu tư với quy mô lớn, trang bị những thiết bị hỗ trợ nuôi hiện đại như máy ấp trứng, máy đo nhiệt độ chuồng, phòng bảo quản trứng, quạt thông gió, quạt sưởi nên hạn chế dịch bệnh toàn bộ khu vực trang trại nuôi. Đặc biệt, HTX đã áp dụng phương pháp nuôi ghép con nhiều hơn số lượng chim bố mẹ tự sinh sản. Nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đàn chim của HTX phát triển mạnh, từ 700 cặp ban đầu, đến nay, số lượng đã lên đến 9.000 cặp chim bố mẹ. Ngoài bán bồ câu thương phẩm, HTX còn cung cấp chim giống, thiết bị chăn nuôi bồ câu Pháp, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi xây dựng chuồng trại công nghiệp với số lượng lớn.
Nhờ hoạt động hiệu quả, hiện, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động nữ địa phương với mức lương bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận hàng năm của HTX đạt trên 1 tỷ đồng. HTX cũng đang đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất để phục vụ thị trường và nâng cao thu nhập cho các thành viên.