Phong trào Phụ nữ khởi nghiệp giúp nhiều phụ nữ Hậu Giang thành đạt

20/03/2023
Phong trào Phụ nữ khởi nghiệp của Hậu Giang đã có nhiều khởi sắc, ngày càng có nhiều chị em hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, khát vọng vươn lên, làm giàu. Nhiều chị từ xuất phát điểm thấp, điều kiện hết sức khó khăn, nay đã trở thành chủ nhân của những cơ sở sản xuất, kinh doanh thành đạt, góp phần tạo việc làm lao động nữ ở địa phương.
Chị Mười Tổ trưởng tổ đan lục bình, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang luôn tận tâm dạy nghề cho phụ nữ địa phương

Hưởng ứng phong trào phụ nữ khởi nghiệp, triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đã có nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả; kết hợp giữa nguồn nội lực phát huy trong hội viên, phụ nữ và nguồn lực từ các nguồn vốn vay, các đề án giúp nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công, khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Khởi nghiệp từ 10 triệu đồng

Chị Nguyễn Thị Phương Kiều, ở ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, có hơn 20 năm gắn bó với nghề may và ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp từ rất lâu rồi nhưng phải đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chị rời thành phố để về quê sinh sống, được sự động viên, hỗ trợ và đồng hành của Hội LHPN địa phương, chị mạnh dạn quyết định khởi nghiệp với nghề may để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu.

Chị Kiều cho biết: Từ thành phố về quê, với số vốn hơn 10 triệu đồng, chị đầu tư được 4 máy may và hướng dẫn thêm vài chị em trong ấp cùng tham gia tổ may để đáp ứng số lượng đơn hàng giao cho các đầu mối tiêu thụ. May mắn, chị tìm hiểu, tiếp cận nguồn vốn từ Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi kinh tế cho nữ công nhân ngành may bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” do Hội LHPN tỉnh triển khai. Và thông qua Hội LHPN xã, chị được hỗ trợ số tiền 35 triệu đồng không hoàn lại từ dự án cộng với số tiền 5 triệu đồng do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ giúp chị thêm động lực khởi nghiệp. Năm 2021, cũng với sự đồng hành của Hội LHPN xã, chị đã đứng ra thành lập Tổ may gia công với quy mô 15 thành viên; đầu tư thêm máy may các loại để may đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Kiều cho biết:“ Ngoài việc nhận đơn hàng từ các công ty, tôi còn chủ động kết nối may gia công cho các tiểu thương bán đồ may mặc tại các chợ trong và ngoài địa bàn thành phố Vị Thanh để tăng thu nhập cho chị em”.

Chị Phan Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Vị Tân, thành phố Vị Tân cho biết: Tổ may gia công không chỉ tạo thu nhập ổn định cho bản thân chị Kiều mà chị còn giúp đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho một số chị em hội viên trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành thăm mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công tại xã Tân Tiên, TP. Vị Thanh, Hậu Giang

Gam màu khởi nghiệp ngày càng tươi sáng

Với ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh được đánh giá tính khả thi cao, chị Phượng Vĩ được Hội LHPN xã Tân Tiến và thành phố Vị Thanh lựa chọn để tham gia và đạt giải Cuộc thi “Tìm ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp của phụ nữ” do Hội LHPN tỉnh phát động. Năm 2021, chị Phượng Vĩ mạnh dạn thành lập cơ sở sản xuất chuối, mít sấy ép chân không, chủ yếu sản xuất gia công cho đại lý tại Thành phố Hồ Chí Minh và bán lẻ tại địa phương. Trong đó, sản phẩm chuối sấy đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2021. Hiện nay, cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, chủ yếu là nữ, với mức thu nhập ổn định từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chuối sấy được thị trường đón nhận, lượng tiêu thụ ngày càng tăng, chị đang có ý định mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chị Phượng Vĩ cho biết: “Khi thành lập cơ sở, tôi được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố Vị Thanh tạo điều kiện vay 600 triệu đồng làm vốn đầu tư máy móc phục vụ hoạt động sản xuất. Hiện mặt hàng đang rất được ưa chuộng nên tôi cần thêm nguồn vốn lớn để mua thêm máy móc mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, nếu tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi tôi sẽ đầu tư nâng cấp lại cơ sở vật chất của nhà xưởng khang trang hơn, đảm bảo tốt hơn cho hoạt động”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh- Chủ tịch Hội LHPN TP Vị Thanh chia sẻ: Nhằm đồng hành cùng hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội trên địa bàn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, hỗ trợ, hướng dẫn các chị xây dựng ý tưởng kinh doanh, tiếp cận vốn vay, hướng sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn OCOP, tạo điều kiện đưa sản phẩm xuất khẩu,… Từ đó, nhiều chị đã tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh làm giàu cho gia đình và xã hội.

Không dừng lại ở việc hiện thực hóa thành công các ý tưởng khởi nghiệp, chị em ngày càng tự tin, mạnh dạn đầu tư mở rộng qui mô, lĩnh vực kinh doanh, nhiều mô hình kinh tế do chị em làm chủ ngày càng phát triển bền vững. Từ những câu chuyện, mô hình khởi nghiệp thành công đã và đang lan tỏa tin thần khởi nghiệp, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Tổ may gia công của chị Phương Kiều, xã Vị Tân, TP. Vị Thanh hoạt động xuyên suốt để kịp giao hàng cho khách

Vượt qua hoàn cảnh để khởi nghiệp, làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động

Người dân ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành đã rất quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhân hậu ngoài 50 tuổi, có đôi chân khiếm khuyết, hàng ngày tự điều khiển xe đi gom hàng, giao khung, giao lục bình cho các chị em tổ viên có điều kiện gắn bó với Tổ đan đát lục bình do chị quản lý.

Chị Mười là người khuyết tật, vượt qua khó khăn khiếm khuyết của bản thân, chị khởi nghiệp bằng quyết tâm vượt lên chính mình và khát vọng làm giàu cho bản thân, đóng góp cho địa phương. Năm 2021, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện chị đã mạnh dạn tham gia cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nhiệp” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức và đã đạt giải thưởng “Vì cộng đồng”. Chính hình ảnh đầy nghị lực và sự thành công của chị Mười đã trở thành cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp có thêm cơ hội, động lực để vươn lên vượt khó. Hiện tổ đan lục bình của chị tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Ngoài việc tập trung công tác tuyên truyền về hoạt động khởi nghiệp, Hội còn liên kết, phối hợp với các ngành, ngân hàng hỗ trợ vốn vay, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, đạt chuẩn OCOP của tỉnh,… từ đó tạo điều kiện cho chị em chia sẻ, học tập kinh nghiệp, tự tin khởi nghiệp thành công”.

 

Theo Hội LHPN tỉnh Hậu Giang: “Sau 5 năm thực hiện Đề án 939, Hội đã hỗ trợ thành lập 9 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, đạt 180% mục tiêu đề ra; 75 tổ hợp tác, tổ liên kết của phụ nữ đạt 125%. Có 30 sản phẩm của 17 chủ thể được chứng nhận OCOP, được Hội phối hợp hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử và trên 100 chị được tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Từ đó, tạo được sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ tỉnh nhà, Hội đạt được mục tiêu giúp phụ nữ tự tin hơn trong kinh doanh”.

Khánh Ngọc

Video

Thăm dò ý kiến

Tham gia đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

  • Đồng ý
  • Khác
Xem kết quả