Phụ nữ liên kết, tìm cơ hội làm giàu từ lợi thế của địa phương

03/05/2023
Mô hình kinh tế hợp tác đang được khuyến khích nhân rộng ở các vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo sự gắn kết giữa sản xuất - tiêu thụ - nâng cao chuỗi giá trị. Việc liên kết cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, trong đó có chị em phụ nữ.
Hợp tác xã Nông nghiệp Hiểu Phát (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) mở lớp dạy đan lục bình cho chị em phụ nữ nông thôn

Khai thác tài nguyên bản địa

Đến thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh hỏi cô gái Khơ Me Thạch Thị Chal Thi - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm) - ai cũng biết. Chal Thi là người đầu tiên ở địa phương nghiên cứu chế biến thành công các sản phẩm từ mật hoa dừa, góp phần nâng cao giá trị cho cây dừa.

Đưa chúng tôi đi thăm nhà xưởng với gần 40 cộng sự (đa phần là nữ) đang làm việc trong không khí khẩn trương để kịp giao hàng cho các đối tác dịp lễ 30/4, Thạch Thị Chal Thi bộc bạch: “Năm nay tình hình khá khó khăn, nhưng tụi em vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 40% so với năm ngoái, bởi đây là những sản phẩm mới, dư địa phát triển còn nhiều nên phải nỗ lực sản xuất nhằm góp phần tiêu thụ nguyên liệu cho bà con và duy trì công việc cho các thành viên của Sokfarm”.

Lớn lên ở Trà Vinh, địa phương có diện tích vườn dừa đứng thứ hai ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (sau Bến Tre), nên Chal Thi thấu hiểu những cơ cực của bà con trồng dừa mỗi khi dừa rớt giá, khó tiêu thụ. Thế là, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM - ngành công nghệ thực phẩm và đi làm nhiều nơi, năm 2017, Chal Thi trở về quê hương tìm cách nâng cao giá trị cây dừa, giúp bà con có cuộc sống tốt hơn.

“Sau quá trình tìm hiểu về những sản phẩm từ dừa trên thế giới, thấy cách lấy mật hoa dừa là khả thi nhất, tôi quyết định thử nghiệm lấy mật hoa trên khu vườn của gia đình mình” - Chal Thi kể. Để lấy mật hoa dừa thành công, Chal Thi tìm đến vùng Bảy Núi (An Giang) xem người dân lấy nước trái thốt nốt, rồi sang Campuchia, Thái Lan, Philippines… xem họ lấy mật hoa dừa như thế nào. Kiên trì học hỏi, cuối cùng việc lấy mật hoa dừa cũng đạt kết quả. Thế là, chị tìm nguồn vốn đầu tư xây nhà xưởng. Chị được dự án “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” (dự án SME Trà Vinh) hỗ trợ 800 triệu đồng để mua thiết bị máy móc để chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa. Chị đã chế biến thành công các sản phẩm như: nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, mật hoa dừa lên men, giấm mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa.

Chal Thi cho biết, mật hoa dừa có vị ngọt thanh, có chỉ số đường huyết thấp hơn so với mật ong, đường mía và có hàm lượng khoáng cao, rất thích hợp đối với những người bệnh tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao, người già để bồi bổ cơ thể. Những sản phẩm này được tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, TPHCM, các tỉnh ĐBSCL và xuất khẩu sang một số nước… Từ những thành công ban đầu, Chal Thi đã liên kết với 35 hộ trồng dừa ở Trà Vinh (hơn 20ha) vừa để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, vừa giúp nông dân tăng thu nhập, không lo “tới mùa, rớt giá” như lâu nay. Hàng chục cộng sự làm việc cho Sokfarm hiện cũng được trả khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo cuộc sống ở vùng nông thôn.

Cũng khai thác sản phẩm địa phương để giúp chị em phụ nữ có điều kiện vươn lên, chị Trần Thị Xa - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ba khía Ðầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) nhận thấy tiềm năng từ nguồn nguyên liệu ba khía dồi dào, nên đã tìm giải pháp phát triển sản phẩm ba khía muối nhằm tạo hướng đi mới cho món đặc sản này. Để tạo ra sản phẩm ngon, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, chị Xa chọn những con ba khía còn sống, to khỏe, chắc thịt rồi xử lý với muối trắng và nước ngọt… trên máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, cơ sở sản xuất khoảng 4 tấn ba khía đạt chuẩn OCOP mỗi tháng, gồm ba khía muối, ba khía trộn sẵn, riêu ba khía, mắm tôm chua ngọt… và hơn 1 tấn các sản phẩm từ thủy hải sản khác. Ngoài thị trường trong nước, ba khía còn được đưa sang Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)…

Tại xã vùng sâu Phong Đông (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), sau hơn 3 năm ra đời, HTX Nông nghiệp Hiểu Phát đã tạo việc làm cho hàng trăm chị em phụ nữ và góp phần tiêu thụ nguồn thủy sản cho nông dân, chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX - cho biết: “Vùng này có nghề nuôi tôm và nuôi cá lóc trên ruộng lúa, nhưng nông dân vẫn gặp khó khăn về đầu ra bởi thiếu liên kết tiêu thụ. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, học được phương pháp chế biến tôm khô, khô cá lóc, cá kèo… cộng với sự đồng lòng chung sức của một số chị em ở địa phương, chúng tôi thành lập HTX chế biến khô tiêu chuẩn OCOP, đồng thời tận dụng thời gian nhàn rỗi làm thêm nghề đan lục bình tăng thu nhập đáng kể cho chị em phụ nữ nông thôn…”.

Tập hợp đông đảo chị em vào hợp tác

Hội LHPN huyện Vĩnh Thuận cho hay, dù ra đời chưa lâu nhưng HTX Nông nghiệp Hiểu Phát đã tạo được dấu ấn với các sản phẩm OCOP đặc thù địa phương. Các sản phẩm này không chỉ quảng bá thương hiệu của quê hương Vĩnh Thuận mà còn góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho bà con nông dân, giải quyết việc làm cho đông đảo chị em. Các ngành chức năng của huyện khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển HTX, phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP, tập hợp đông đảo chị em vào con đường làm ăn hợp tác.

Các sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm) đang được thị trường ưa chuộng

Theo Bộ NNPTNT, toàn vùng ĐBSCL hiện có 2.615 HTX nông nghiệp và 20 liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,26% tổng số HTX nông nghiệp trong cả nước. Hiện, vùng ĐBSCL có 2.083 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, chiếm 82%. ĐBSCL cũng là vùng có tỉ lệ HTX nông nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm lớn nhất cả nước; hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp khá phổ biến. Trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX phát huy vai trò kinh tế tập thể để tổ chức các thành viên cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng

Mới đây, sau khi đi thăm cơ sở chế biến chuối sấy ép chân không để phục vụ xuất khẩu của chị Mai Thị Phượng Vĩ (xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - đánh giá cao hiệu quả sản xuất của mô hình kinh tế tập thể do chị em phụ nữ làm chủ. Để mô hình này ngày càng phát triển thì Hội LHPN tỉnh và các đơn vị liên quan cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng chất hoạt động nhằm tạo thêm việc làm.

“Tỉnh rất quan tâm đến kinh tế hợp tác thông qua các cuộc khảo sát và thăm hỏi những HTX làm ăn hiệu quả. Đáng mừng là phong trào kinh tế hợp tác của tỉnh phát triển khá tốt, số lượng và chất lượng hoạt động tăng lên đáng kể, đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa…” - ông Nghiêm Xuân Thành nhìn nhận.

Để tạo thêm động lực cho kinh tế hợp tác phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang phối hợp với Ngân hàng NNPTNT thiết kế các gói tín dụng cho đối tượng là HTX nông nghiệp, trong đó có những HTX do phụ nữ làm lãnh đạo. Ngoài chính sách tín dụng, các đơn vị cũng sẽ tìm kiếm nguồn lực từ những nhà tài trợ, các định chế tài chính nhằm hỗ trợ cho các chương trình liên quan đến kinh tế hợp tác ở ĐBSCL.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT - khẳng định: “Khi và chỉ khi có HTX bền vững, chúng ta mới vượt qua nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Chỉ khi nào HTX phát triển đúng bản chất thì thu nhập của nông dân mới được tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung, tổ chức dịch vụ chung. Khi và chỉ khi có HTX bền vững, chúng ta mới hướng đến hình thành chuỗi ngành hàng và nhờ đó tạo ra giá trị gia tăng từng công đoạn trong chuỗi ngành hàng đó. Khi nào HTX phát triển bền vững, khi ấy nông nghiệp mới thực sự chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp…”.

phunuonline

Video