Quảng Bình: Chị Duấn giữ nghề tráng bánh ướt bằng tay

21/03/2023
Hàng trăm năm nay, bánh ướt luôn là một trong những món ẩm thực truyền thống của người dân TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và cũng là món ăn được người dân các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh yêu thích.
Điển hình chị Duấn làm bánh ướt bằng tay tại Đồng Sơn

Cùng với sự phát triển của các phương tiện sản xuất, dần dần, nghề làm bánh ướt hầu như đã được các hộ gia đình, làng nghề chuyển sang làm bằng máy để nâng cao năng suất hơn. Nhưng muốn giữ được vị bánh truyền thống đặc trưng, thì việc làm bánh ướt thủ công vẫn cho ra những sản phẩm đậm đà, ưng ý nhất đối với người tiêu dùng. Để giữ nghề làm bánh thủ công, chị Đào Thị Duấn ở tổ dân phố 2, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới đã rất tâm huyết và gắn bó với nghề.

Với 60 tuổi đời và hơn 30 năm làm nghề tráng bánh ướt bằng tay, mặc dù có những lúc gian nan, nản chí nhưng chị Duấn và gia đình đã cùng nhau vượt qua để duy trì nghề và sản xuất ra những sản phẩm thấm đẫm tấm lòng của người làm nghề. Chị Duấn cho biết, công việc này khá vất vả, đòi hỏi kiên nhẫn, chịu khó, bên cạnh đó, giá nguyên liệu ngày càng cao cùng với sự phát triển của công nghệ làm bánh bằng máy sẽ cho ra nhiều bánh nhanh hơn nên giá cá rẻ hơn, khách hàng khi mua có sự so sánh về giá, điều này đòi hỏi chị và các thành viên trong gia đình phải nỗ lực rất nhiều.

Chị Duấn luôn cố gắng, động viên chồng con cố gắng cùng mình giữ nghề truyền thống. Bên cạnh đó, chị được vay vốn thông qua Hội Phụ nữ qua nguồn vốn ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển để đầu tư mua vật dụng, nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ nghề tốt hơn.

Thưởng thức những tấm bánh ướt được tráng bằng tay của chị, thực khách khó có thể quên được, miếng bánh vừa nóng hổi, thơm lừng mùi gạo, khi đưa vào đầu lưỡi hòa tan, quyện vị, chỉ cần chấm với một chút mắm nêm hoặc bán nước mắm pha chút tỏi ớt là đủ để hấp dẫn và ăn đến no mà không chán.

Chị cho biết, để làm được sản phẩm ngon và chất lượng, gia đình luôn cẩn thận lựa chọn loại gạo đảm bảo, gạo làm bánh được vo, đãi và ngâm trong nước sạch khoảng 5 tiếng đồng hồ, sau đó, xay thành bột để tráng trong nồi hơi. Để tạo nên thương hiệu bánh như hiện nay, chị và gia đình tuyệt đối tuân thủ vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hóa chất trong sản xuất. Tiếng lành đồn xa, bánh của chị không chỉ được bà con trong vùng rất ưa chuộng mà các nhà hàng, quán ăn trong vùng cũng đặt hàng bánh của chị để cho vào thực đơn của mình. Hiện nay, mỗi ngày gia đình chị cung cấp ra thị trường hơn 100kg bánh, với mức giá 15.000 đồng mỗi kg đã đem lại thu nhập cho gia đình từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Ngoài làm bánh ướt truyền thống ra chị còn tận dụng các phế phẩm từ nguyên liệu làm bánh để chăn nuôi thêm lợn, gà và trồng trọt tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Tổng thu nhập của gia đình khoảng 150 triệu đồng/năm.

m thực dân gian ngày nay đã phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự du nhập của các món ăn ngoại, nhưng nhờ có những người thợ lành nghề, luôn luôn giữ lửa như chị Duấn, mà nghề làm bánh truyền thống không bị mai một. Và với chị Duấn, hằng ngày, được làm bánh là được làm việc mình yêu thích, tạo thu nhập, vừa lan tỏa hương vị thơm ngon của món bánh đến mọi người, đồng thời cũng mong muốn góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương.

Thanh Liễu

Video

Thăm dò ý kiến

Tham gia đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

  • Đồng ý
  • Khác
Xem kết quả