Quảng Bình: Làm giàu trên vùng đất khó
Năm 2011, trong bối cảnh chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, vợ chồng chị Hoa đã thuê lại đất đồi để xây dựng trang trại tổng hợp với quy mô hơn 3.000m2.
Đây được xem là quyết định táo bạo bởi thời điểm đó, nơi đây là mảnh đất hoang vu, xung quanh chỉ toàn đồi núi, dân cư thưa thớt.
Nhưng với ý chí và nghị lực, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, bằng số vốn tự có, sự giúp sức của anh em, bạn bè cùng với nguồn vốn vay từ Quỹ HTND tỉnh, vợ chồng chị Hoa bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với nguồn vốn đầu tư ban đầu hơn 300 triệu đồng.
Khi bắt đầu xây dựng trang trại tổng hợp, vợ chồng chị quyết định chăn nuôi gà với số lượng hơn 1.000 con, vừa nuôi gà lấy thịt và gà mái đẻ trứng để ấp. Sau gần 3 năm gia đình chị có được số vốn nhất định, vợ chồng chị chuyển sang đầu tư trang trại theo mô hình vườn – ao - chuồng.
Chị Hoa chia sẻ: “Xác định thời gian đầu khó khăn, vất vả, bất kể làm gì cũng phải yêu nghề chứ chưa tính đến chuyện lời lỗ. Cần mẫn, không nản chí thì ắt trời không phụ công người”.
Trang trại được xây dựng theo quy mô khép kín, chất thải của gia súc, gia cầm được tận dụng để nuôi cá, trồng cây, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế. Hệ thống chuồng nuôi của chị đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng đệm lót sinh học sạch sẽ, ấm vào mùa đông, thoáng vào mùa hè; mỗi chuồng nuôi đều có hệ thống đường điện, quạt mát, đường nước và cống xả thải.
Chị Hoa cho hay: “Để đảm bảo vệ sinh môi trường gia đình chị làm hầm biogas, sau đó sử dụng trong sinh hoạt nấu ăn. Công tác phòng dịch luôn được ưu tiên hàng đầu để trang trại luôn sạch sẽ.”
Hiện tại, trang trại của vợ chồng anh chị có 20 con heo nái đẻ, 150 heo thịt, bình quân 3 tháng chị xuất bán 30-40 con heo thịt. Ngoài ra, còn có gần 300 con ngỗng đang trong giai đoạn đẻ trứng và 200 cặp bồ câu. Đầu ra cho các sản phẩm từ trang trại được thương lái tìm đến thu mua tận nơi. Từ mô hình trang trại tổng hợp này, đời sống của gia đình chị ngày càng được nâng cao, trừ mọi chi phí thu nhập từ 450-500 triệu đồng/năm.
Với phương châm lấy ngăn nuôi dài, năm 2019, vợ chồng anh chị đầu tư trồng và chăn nuôi kết hợp, không để đất hoang, mạnh dạn thử nghiệm những giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng hơn 70 gốc thanh long; 30 gốc mít, xoài và 20 cây huê có tuổi đời gần 10 năm.
Để xây dựng được trang trại thành công như hôm nay, ngoài sự nỗ lực đáng khâm phục của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Hội ND các cấp, đặc biệt là Hội ND xã An Ninh. Chủ tịch Hội ND xã An Ninh Trường Quang Sơn chia sẻ: Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội ND xã An Ninh đã hỗ trợ cho gia đình chị Hoa vay 100 triệu đồng cùng nguồn vốn của gia đình để xây dựng trang trại; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi.
Có thể nói, đây là một trong những mô hình trồng trọt điển hình của xã, xứng đáng để hội viên, nông dân học tập và noi theo.
Với những thành tích đó, gia đình chị được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” nhiều năm liền.