Quảng Nam: Kết nối, xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ

Những con số ấn tượng
Công tác thông tin, tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hội được đẩy mạnh trên các loại hình báo chí của TW, địa phương, trên các trang mạng xã hội nhằm trao đổi thông tin đến các cấp Hội. 100% cán bộ Hội LHPN chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và phát triển kinh doanh; 76% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm và khởi nghiệp. Số phụ nữ khởi nghiệp được hỗ trợ là 650 người. 100% doanh nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX) mới thành lập do phụ nữ quản lý được tập huấn về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành, kết nối các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (đạt 100%). Phối hợp thành lập 66 HTX có phụ nữ tham gia quản lý (Hội hỗ trợ thành lập 15 HTX). Một số HTX hoạt động có hiệu quả như: HTX nước mắm Hai Hiền (xã Bình Dương, Thăng Bình) phát triển sản phẩm nước mắm gắn với tham quan du lịch,; HTX Sản xuất Chế biến và Tiêu thụ nấm Nhì Tây (xã Bình Lâm, Hiệp Đức) ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu, bên cạnh đó còn sản xuất giống nấm, trở thành đầu mối thu gom, cung ứng sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên, hộ gia đình có nhu cầu trồng nấm trong và ngoài địa phương; HTX sản xuất rau sạch Nam Phước (Duy Xuyên) thu mua, sản xuất và tiêu thụ các loại rau sạch cung cấp cho TP. Đà Nẵng và các vùng lân cận…
Vận động nhiều nguồn lực giúp phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 90 hoạt động liên quan Đề án 939 cho trên 6.000 người như tập huấn, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm. Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức giới thiệu, quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh phát động Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong phụ nữ” với gần 500 bài dự thi của cá nhân, nhóm tác giả phụ nữ; trong đó có 83 bài được UBND tỉnh cấp giấy Chứng nhận dự án đạt giải cấp tỉnh. Năm 2021, Quảng Nam có 8 dự án vào vòng sơ khảo Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động. Dự án “Sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia dụng từ mo cau” của HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) do chị Phan Vũ Hoài Vui làm Giám đốc đã xuất sắc lọt vào tóp 24 dự án tiêu biểu và được TW Hội trao giải “Chắp cánh tài nguyên bản địa.
Hội đã chủ động tranh thủ nhiều nguồn lực tổ chức các hoạt động để phụ nữ tự tin khởi nghiệp như: tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức diễn đàn "Tiếp lửa để phụ nữ khởi nghiệp thành công”, “ươm mầm cho phụ nữ khởi nghiệp”... Phối hợp với Ban điều hành KNST tỉnh chọn các dự án khởi nghiệp của phụ nữ (chủ yếu là các nữ trẻ startup) tham gia các hoạt động, chương trình doanh nhân Việt Nam và các chương trình khởi nghiệp được tổ chức tại các tỉnh, thành, khu vực và cấp quốc gia. Giới thiệu 04 ý tưởng khởi nghiệp tham gia Hội thảo Quản trị chi phí doanh nghiệp do Ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam và Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam phối hợp tổ chức. Có 04 ý tưởng do phụ nữ làm chủ được VN Đà Thành hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19, số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Các cấp Hội thực hiện tốt việc kết nối với các đơn vị, cơ quan, trường học tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Thông Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh qua các năm, đã có hơn 1/2 gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu cấp tỉnh của phụ nữ là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; … Nhiều điạ phương đã tập trung nghiên cứu nội dung, hình thức tổ chức rất phong phú và thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế, mang lại hiệu quả.
Tiếp tục kết nối, xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tập trung tạo lập môi trường khởi nghiệp, thúc đẩy phụ nữ khai thác các lợi thế của công nghệ số, công nghệ thông tin, tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp thành công, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị. Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nữ, ưu tiên doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, địa bàn nông thôn, đa dạng hóa nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng, bền vững và xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở các địa phương.
Kết nối, mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Phát hiện, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ hiện thực hóa và nhân rộng các sáng kiến, các ý tưởng kinh doanh tốt. Hỗ trợ phụ nữ sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng thương hiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục huy động nguồn lực, thực hiện các mô hình tiết kiệm, mô hình hỗ trợ sinh kế phù hợp với nhu cầu, điều kiện của phụ nữ. Quan tâm phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng; liên kết với các cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Chú trọng hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết do nữ quản lý.