Quảng Nam: Phụ nữ vùng cao làm kinh tế giỏi

27/02/2023
Thời gian qua, công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo tại các huyện miền núi, vùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam được các cấp Hội LHPN triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả thông qua các phong trào, đề án, cuộc vận động… Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, bằng đôi tay, khối óc, các chị từng bước khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Chị Lê Thị Phượng, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức khai thác mủ cao su

Chị A Lăng Thị Tiết, người phụ nữ Cơ Tu thay đổi cuộc sống bằng sự quyết tâm

Chị A Lăng Thị Tiết, hội viên chi hội phụ nữ thôn Pà Dá, xã Cà Dy là điển hình tiêu biểu của phụ nữ Cơ tu về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất ở vùng cao huyện Nam Giang.

Gia đình làm nông nghiệp, chị Tiết nhận thấy chăn nuôi, trồng rừng là thế mạnh để có thể phát triển kinh tế, tuy nhiên thời điểm đó gia đình chị là hộ nghèo, không có vốn để đầu tư. Cuối năm 2012, nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của Hội LHPN xã, chị quyết tâm mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 10 con heo thịt về nuôi cùng với trồng 03 ha keo.

Để có kiến thức, chị đã tham gia lớp tập huấn do Hội LHPN xã phối hợp với Dự án phát triển tổ chức về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là chăn nuôi heo bản địa. Sau đó, chị áp dụng kiến thức học được vào chăn nuôi, đàn heo của gia đình chị khỏe mạnh, không có dịch bệnh xảy ra. Nhờ chịu khó học hỏi và chăm chỉ làm ăn, mỗi năm gia đình thu nhập đạt được từ 70 - 80 triệu đồng, tích cóp được tiền, chị tiếp tục đầu tư mua thêm 05 con bò sinh sản và đàn gà giống. Hiện nay, gia đình có 12 con bò, 10 con heo rừng lai và trên 100 con gà; trồng thêm bắp, đậu, lúa, mở rộng diện tích trồng keo lai 10 ha. Nhờ đó, thu nhập của gia đình chị tiếp tục nâng lên khoảng 100 - 120 triệu đồng/năm. Kinh tế khá giả, chị đã làm được nhà, mua xe, nuôi 02 con ăn học thành đạt.

Chị Tiết là hội viên phụ nữ nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào hoạt động của địa phương, tham gia tích cực các hoạt động do Hội LHPN khởi xướng và sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị đã hỗ trợ 05 ang lúa giống, đậu bắp, 04 con heo, 30 con gà và 4 triệu đồng tiền mặt giúp các chị hội viên phụ nữ khó khăn cùng thôn. Bên cạnh đó, chị còn tận tình hướng dẫn cho chị em biết cách chăn nuôi heo, gà và cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống.

Đồng hành cùng “vàng trắng”

Tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức nhiều mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ đem lại nguồn thu nhập khá, giúp hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, trong đó, mô hình trồng cao su tiểu điền của chị Lê Thị Phượng là một điển hình.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Xứ Thanh, chị tham gia nhập ngũ năm 1985, năm 1987 xuất ngũ. Năm 1993, chị cùng gia đình vào Nam lập nghiệp. Đến năm 2000, vợ chồng chị quyết định chọn xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức làm nơi an cư lập nghiệp. Năm 2007, gia đình chị bắt đầu khai hoang trồng cao su trên quả đồi có tên La Dẻ, trước đây hoang vu, rậm rạp nằm giáp ranh giữa 02 xã Sông Trà và Hiệp Hòa. Cũng như nhiều người khác, gia đình chị dành mọi khoản tiền tích góp được và vay mượn để trồng 10 ha cây cao su tiểu điền vốn được xem là “vàng trắng” của địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2013, khi cây cao su của gia đình bắt đầu cho mủ cũng là lúc giá cao su trên thị trường giảm mạnh. Chị gặp không ít khó khăn, thách thức, có thời điểm mủ cao su khai thác để khô cả tháng mà không bán được. Không nản chí, gia đình chị vẫn tiếp tục đầu tư, lấy ngắn nuôi dài, tận dụng công lao động trong nhà để duy trì. “Nếu so sánh giữa 01 ha cao su và 01 ha keo lá tràm thì cây cao su đem lại hiệu quả cao hơn. Đối với cao su đại điền thì phải qua nhiều tầng phải trả lương và nhiều khoảng khác, còn đối với chị thì vượt công trong gia đình thì mới thuê người ngoài, nên dù giá mủ cao su có giảm tính ra trồng cây này vẫn có lãi” – chị Phượng chia sẻ.

Bằng sự kiên trì, ý chí quyết tâm, chị đã thành công, đến nay, mỗi ngày gia đình chị khai thác từ 120 - 150 kg mủ đông, sau khi trừ đi mọi chi phí, trung bình mỗi tháng thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng; với lợi nhuận thu được chị đầu tư trồng thêm 13 ha cây keo lá tràm. Hiện tại, chị tạo việc làm thường xuyên cho 03 lao động địa phương, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng/người.

Hiện nay, chị Phượng là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam xã Sông Trà; chị thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác vận động nhân dân đóng góp giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn. Chị còn thường xuyên hướng dẫn cách thức làm ăn cho hội viên phụ nữ và người dân, ai có nhu cầu vốn chị sẵn sàng hỗ trợ không tính lãi. Năm 2022, chị được nhận Giấy khen hoàn thành xuất sắt nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ huyện; Giấy khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Cựu chiến binh huyện.

Vượt qua hoàn cảnh

Thoát nghèo năm 2019, con cái chăm ngoan, học giỏi, tiêu biểu trong phong trào “Phụ nữ thị trấn Khâm Đức tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” là điển hình chị Vũ Thị Huệ, hội viên Chi hội Phụ nữ khối 2, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn.

Năm 1990, chồng chị lâm bệnh và qua đời, để lại chị 02 đứa con thơ, khó khăn chồng chất khó khăn. Chị phải xoay sở nhiều công việc để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo chị luôn trăn trở, tìm hướng đi để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Nhận thấy những năm gần đây, việc chăn nuôi heo và chuyển đổi một số giống cây trồng tại địa phương mang lại hiệu quả cao. Với số vốn tích góp được và vay mượn từ anh em, bạn bè, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời nhận sự hỗ trợ của Hội LHPN thị trấn Khâm Đức về sinh kế và tập huấn kiến thức kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chị mạnh dạn cải tạo diện tích đất sản xuất, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo. Sau khi tích lũy kinh nghiệm và nguồn vốn, chị tiếp tục mở rộng thêm chuồng nuôi 10 con heo sinh sản, gà, ngan, trồng rau sạch. Thu nhập tổng thể đạt từ 50 - 60 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Phát triển kinh tế vườn, kết hợp chăn nuôi 

Năm 2018, nhận thấy lợi thế về đất đai thổ nhưỡng, chị Bùi Thị Kiều, sinh năm 1983, hội viên chi hội phụ nữ thôn 4, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước bàn với chồng mở rộng đầu tư, xây dựng trang trại vườn - ao - chuồng trên khoảng đất vườn 02 ha trồng các loại cây. Được Hội LHPN xã phối hợp với nông nghiệp xã tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, về thú y trong chăn nuôi, các kiến thức phòng ngừa sâu, bệnh… chị đã thành công trong nuôi heo rừng lai. Lứa đầu chị nuôi 02 heo nái, phối giống đẻ mỗi năm 02 lứa, khoảng 20 heo con/lứa; chị sử dụng tất cả heo con để nuôi heo thịt và bán ra thị trường. Trong vườn, chị đầu tư nuôi đàn vịt xiêm khoảng 200 con, trên 100 con gà để phục vụ quán ăn và bán ra thị trường; ao nuôi gồm các loại cá như cá phi, cá chép, cá trê…; hơn 2.000 cây cau, 500 cây quế, 150 cây ăn quả. Từ mô hình vườn – ao – chuồng kết hợp đã mang về doanh thu cho gia đình chị từ 120 - 150 triệu đồng/ năm. Mô hình phát triển kinh tế được địa phương đánh giá cao. Bản thân chị là hội viên nòng cốt của Hội LHPN xã, luôn gương mẫu tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt Hội, vận động chị em phụ nữ trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Ban GĐXH-KT Hội LHPN tỉnh Quảng Nam

Video