Quảng Ngãi: Đưa “vàng trắng” Sa Huỳnh vươn xa

03/01/2023
Chị Phạm Hồng Thắm (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã tạo dựng thương hiệu muối sạch SAHU với mong ước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho diêm dân.
Diêm dân đang thu hoạch muối ở cánh đồng muối Sa Huỳnh

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Luật ở TP Hồ Chí Minh, chị Thắm trở về quê để theo đuổi ước mơ nâng tầm hạt muối quê hương. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn từ phía gia đình, mới ra trường chưa có nguồn vốn để khởi nghiệp.

Để có muối sạch đảm bảo chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ, chị thuyết phục diêm dân tuân thủ sản xuất theo một số yêu cầu như: Nền đất của ruộng muối phải đầm chặt, kĩ lưỡng hơn để giảm thiểu tối đa tạp chất bám, dính theo; thời gian từ khi đưa nước vào ruộng phơi nắng tạo muối trung bình 4 ngày để hạt to, chắc...

Khi đó chị sẽ mua với giá cao gấp từ 4-6 lần so với thị trường. Ban đầu, cơ sở của chị sản xuất ra những sản phẩm đơn giản như muối tinh, muối hầm. Đến nay xưởng của Thắm đã làm ra được nhiều sản phẩm có giá trị rất cao như: Hoa muối có giá bán là 34.000/kg, gấp 17 lần giá muối nguyên liệu; muối ống tre, giá 100.000/kg, gấp 50 lần giá muối nguyên liệu…

“Tôi phải đến từng nhà dân, ra từng ruộng muối để gặp diêm dân đặt hàng bà con sản xuất những hạt muối chất lượng nhất. Từ đó mới tạo ra những sản phẩm muối đầu tiên là muối tinh, muối hầm thì tôi chọn nung trong nồi đất sét để không bị nhiễm kim loại nặng và giữ được mùi hương và độ an toàn của muối”, Thắm cho hay.

Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở chế biến muối của chị Thắm đã tiêu thụ cho diêm dân Sa Huỳnh 200 tấn muối. Ông Nguyễn Văn Hùng diêm dân Tổ dân phố Tân Diêm, phường Phổ Thạnh cho biết, bình quân mỗi năm ông bán cho cơ sở sản xuất muối SAHU khoảng 2 tấn hoa muối, giá 20 ngàn đồng/ kg.

Còn bà Ngô Thị Vinh, phường Phổ Thạnh cho biết, khi bán muối cho Thắm thì giá thành lại cao hơn giá thị trường khoảng 3-5 lần. Ngoài ra, riêng muối bọt bán cho Thắm đã đem lại cho gia đình tôi vài chục triệu đồng trên năm.

 “Trước đây nghề làm muối ở Sa Huỳnh có nhiều thăng trầm với nhiều lý do khác nhau. Nên có một dạo làng muối Sa Huỳnh được ví von là “làng muối đắng”, bởi công sức mà diêm dân bỏ ra cho đồng muối trở nên uổng phí, cuộc sống nhọc nhằn. Mặt khác, do giá thành muối không ổn định, và muối Sa Huỳnh vẫn chưa có thương hiệu nên gây nhiều khó khăn cho diêm dân. Giờ bà con diêm dân đã có đầu ra ổn định”, bà Vinh chia sẻ.

Để khai thác, bảo vệ thương hiệu muối Sa Huỳnh cũng như những sản phẩm do mình tạo ra, đầu năm 2018, chị Thắm đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên muối SAHU tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.

Đến nay, Công ty giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động ở địa phương. Tháng 4.2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu muối “Sa Huỳnh”.

Hiện đồng muối Sa Huỳnh có khoảng 80 ha, với khoảng 500 hộ sản xuất. Khi đến với cánh đồng muối Sa Huỳnh, du khách được chứng kiến công đoạn làm ra hạt muối trắng tinh. Bên cạnh đó, một khi đã đặt chân tới đây có các địa điểm du lịch nổi tiếng xung quanh như: Bãi biển Sa Huỳnh, nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, gành đá Hóc Mó, gò Ma Vương, bãi biển Châu Me hay làng gốm cổ truyền...

Sản phẩm muối SAHU của chị được đánh giá cao, du khách đến tham quan mua làm quà tặng. Đồng thời, giúp bà con diêm dân có thu nhập cao và tiến đến làm du lịch từ nghề sản xuất muối truyền thống.

hoinongdan

Video