Quảng Ngãi: Những tấm gương phụ nữ năng động phát triển kinh tế
- Nữ Giám đốc HTX truyền lửa thoát nghèo cho đồng bào CaDong

- Tăng thu nhập cho gia đình từ việc trồng quất cảnh dịp Tết
Năng động, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Kiều (SN 1980) ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã mạnh dạn đầu tư trồng quất cảnh đem lại thu nhập cho gia đình trong dịp Tết
Đây là năm thứ 2 gia đình chị Kiều trồng quất cảnh để cung cấp ra thị trường trong dịp Tết. Hiện vợ chồng chị đang chăm sóc khoảng 100 chậu quất cảnh với đủ dáng, thế.
Chị Kiều cho biết: Sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy quất cảnh là loại cây rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, năm 2023 tôi quyết định bắt tay vào trồng. Để có những chậu quất đẹp, sum suê bán vào dịp Tết, bắt đầu từ tháng 2 âm lịch sẽ tiến hành xuống giống.
Theo chị Kiều, công việc “gò quất”, cắt tỉa, tạo dáng, tạo thế cho cây là khâu quan trọng và chiếm thời gian nhiều nhất trong quá trình chăm sóc. Trồng quất cảnh không quá vất vả, nhưng phải hiểu rõ đặc tính của cây để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Bắt đầu từ tháng 5 - 6 âm lịch, người trồng phải tiến hành hãm nước, để cho hoa ra đồng loạt và đậu quả, lứa quả này sẽ chín vào đúng dịp Tết. Bên cạnh đó, cây quất hay bị nhiễm nấm bệnh, nhất là vào giai đoạn quả đang chín, nên người trồng phải chủ động phun các loại thuốc phòng ngừa, thì trái mới đậu nhiều, căng đẹp và không bị rụng.
“Trồng quất cảnh tốn nhiều công chăm sóc, nhất là việc chăm sóc bộ rễ của cây. Quất đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào bộ rễ của nó, nếu bộ rễ đẹp thì chơi được lâu, còn khi bị hỏng rễ quất thường xấu mã và không bền”, chị Kiều nói.
Năm nay thời tiết khá thuận lợi để có những chậu quất sai trĩu quả, vàng óng và nhiều lộc. Hiện khách đã đặt khoảng 50% số cây trong vườn chị Kiều. Giá bán mỗi cây từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng.
- Nữ Giám đốc HTX truyền lửa thoát nghèo cho đồng bào CaDong
Cách nghĩ, cách làm của của nữ chị Phạm Thị Trầm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, xã Sơn Liên, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã giúp HTX tiếp cận với hướng đi mới trong lao động sản xuất, giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số Cadong.
Chị Phạm Thị Trầm đưa nông sản của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, xã Sơn Liên đến với người tiêu dùng
Bằng việc liên kết với các hộ dân địa phương trong xây dựng mô hình trồng bưởi, ổi và chăn nuôi heo rừng lai, HTX không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, mà còn lan tỏa việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác đến cộng đồng dân cư. “Khi chưa liên kết sản xuất cùng HTX, vườn nhà tôi chủ yếu trồng mì, thu nhập từ cây mì không đủ để gia đình tôi trang trải cuộc sống, hơn nữa, cây mì còn bị dịch bệnh liên miên. Từ khi liên kết với HTX để trồng ổi Soli, tôi thu về từ 6 - 10 triệu đồng mỗi tháng. Tôi còn được HTX hướng dẫn, hỗ trợ lắp hệ thống tưới nước tự động. Đây là hướng đi mới, mà giờ tôi mới được thấy, chứ trước đây, người làng chúng tôi toàn phải xách từng thùng nước suối để tưới cho cây trồng”, anh Đinh Văn Thiếu, ở xã Sơn Liên, phấn khởi nói.
Từ khi thành lập đến nay, các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã triển khai trồng 5ha ổi, 17ha bưởi da xanh, liên kết phát triển 3 trang trại nuôi heo rừng lai. Ngoài ra, HTX còn đứng ra thu mua, tiêu thụ các sản phẩm của nông dân địa phương sản xuất và các sản phẩm tự nhiên như gạo rẫy, măng nứa, ớt xiêm... Thấy được hiệu quả kinh tế khi tham gia HTX, người dân lần lượt xin gia nhập. Sau 4 năm thành lập, HTX hiện có gần 50 thành viên. Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết, thông qua hoạt động của HTX, chúng tôi mong muốn tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân trong xã. Cùng với đó, chúng tôi tập trung hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp bền vững và có giá trị cao hơn.
“Đến nay, sản phẩm bưởi da xanh đã cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước tạo thương hiệu trên thị trường. Từ dự án này, tôi hướng dẫn các hộ dân tham gia HTX trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như ổi, nghệ, gừng... Ngoài ra, tôi còn nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm như: Ổi ép khuôn; bưởi ép khuôn, ổi trồng kiểng, nước ép ổi... Nhờ những hướng đi mới, khoa học, hiệu quả mà HTX ngày càng phát triển”, chị Trầm chia sẻ.
Phần lớn sản phẩm của HTX được bán thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đây là kênh bán hàng hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Hiện sản phẩm ổi của HTX đã được cấp giấy chứng nhận trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra HTX xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm tại địa phương như: Gạo rẫy Soli, măng nứa Soli, ớt xiêm Soli, ổi Soli...
Cùng với trồng trọt hiệu quả, chị Trầm tiếp tục dẫn dắt các thành viên HTX phát triển chăn nuôi ngày càng hiệu quả với mô hình nuôi heo ky theo hình thức trang trại, khoanh vùng; nuôi bò lai vỗ béo, nuôi gà, dê...
Chị Trầm đã phát triển HTX, nâng cao doanh thu hằng năm. Năm 2022, doanh thu của HTX đạt 1,4 tỷ đồng, năm 2023 ước đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 20 lao động thời vụ ở địa phương.
Bên cạnh nỗ lực trong phát triển kinh tế, chị Trầm còn liên kết với các đơn vị, cơ quan, các nhóm thiện nguyện, các thành viên HTX mở cửa hàng “không đồng” tại huyện Sơn Tây để quyên góp quần áo, các nhu yếu phẩm giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương. Chị còn phối hợp với các đơn vị, mỗi tháng tổ chức bữa ăn trưa cho các em học sinh mầm non Trường mầm non Sơn Liên nhằm giúp các em có bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Mới đây, chị Trầm là một trong số 42 thanh niên tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2023, Quảng Ngãi có duy nhất một nữ thanh niên vinh dự đoạt giải thưởng cao quý này.