Sóc Trăng lan tỏa mô hình phụ nữ khởi nghiệp
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh đều phát động Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp; tổ chức sự kiện Kết nối kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp cho các chị em có cơ hội giao lưu giới thiệu sản phẩm, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để cùng nhau học hỏi… Ngoài việc kinh doanh với sản phẩm hiện có, Hội còn mở các lớp tập huấn: kỹ năng hỗ trợ cho phụ nữ thực hiện ý tưởng sáng tạo; sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương phát triển thành sản phẩm truyền thống; sở hữu trí tuệ; giới trong kinh doanh; giúp chị em hội viên, phụ nữ nâng cao tư duy theo hướng chuyên nghiệp trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương để làm ra các sản phẩm truyền thống đặc trưng ở quê hương mình.
Chị Cao Thị Ngọc Mỹ, quê ở Tiền Giang, lấy chồng về Sóc Trăng, canh tác từ 9.000 mét vuông đất vườn nhà, trồng nhiều cây mãng cầu và xen thêm cây trái khác như mít, dừa xiêm… Rồi chị nảy ra ý tưởng làm trà từ kinh nghiệm truyền nghề của gia đình, được Hội LHPN địa phương hỗ trợ, vợ chồng chị Mỹ tự mở xưởng tại nhà, mua sắm máy sấy trà, máy ép đóng gói, thuê thêm vài nhân công nữ… bình quân một chục ký trái mãng cầu tươi, cho ra khoảng 1 kg trà. Niềm vui đến khi sản phẩm trà mãng cầu mang nhãn hiệu Ngọc Trân của chị Mỹ đạt chuẩn Vietgap, được công nhận sản phẩm “OCOP-3 sao” tỉnh Sóc Trăng năm 2020. Cùng với đó, chị Ngọc Mỹ hiện là chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp Vĩnh Kiên, Chủ nhiệm Tổ “Hợp tác đan lục bình” ấp Vĩnh Kiên, có 15 thành viên tham gia, làm ra các sản phẩm thủ công như: túi xách, bình bông, nón, chậu hoa, giỏ… chủ yếu đan lát lục bình vào những lúc nhàn rỗi, bình quân mỗi chị cũng kiếm thêm khoảng 50.000 đ/ngày, tuy nhiên thu nhập không ổn định, vì sản phẩm từ lục bình chưa phổ biến. Nhờ được ngành chức năng tỉnh hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, mở lớp tập huấn nâng cao tay nghề, xử lý ẩm mốc… góp phần hoàn thiện sản phẩm, nhằm thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm, giúp chị em phấn khởi, tự tin hơn.
Chị Cao Thị Ngọc Mỹ khởi nghiệp kinh doanh với sản phẩm trà mãng cầu
Một trong những ý tưởng khởi sự kinh doanh để phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế gia đình, là chị Nguyễn Thị Út Nhất –Tổ Trưởng Tổ phụ nữ sống xanh-bảo vệ môi trường, thuộc ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, có 40 thành viên; bên cạnh đó, chị còn điều hành Tổ kết cườm, Tổ Hợp tác bó chổi… với trên dưới 35 chị tham gia, bình quân thành viên kết cườm có thu nhập khoảng 450.000 đồng/người/tháng và thành viên bó chổi khoảng 900.000 đồng/ người /tháng. Chị Út Nhất cũng là đầu mối thu mua chổi của Tổ giao cho các lái đến từ Sóc Trăng, Trà Vinh… Chị còn có một quán tạp hóa nhỏ, chuyên bán những mặt hàng do Việt Nam sản xuất, với mục đích vận động chị em ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chị cũng tự làm nhà lưới trồng rau sạch, nuôi lươn bỏ mối cho thương lái… hàng năm gia đình chị tạo nguồn thu nhập khoảng 150 đến 200 triệu đồng. Chị tâm niệm, muốn đóng góp nhiều hơn trong phong trào phụ nữ địa phương, hỗ trợ chị em có công ăn việc làm, quan tâm chia sẻ những khó khăn khi cần – đó là niềm vui, động lực để chị cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống và lao động sản xuất.
Hợp tác xã Thành Đạt, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, đã ứng dụng hiệu quả mô hình trồng rau hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên diện tích khoảng trên 2.600 m2, được Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL”, hỗ trợ xây dựng 12 nhà lưới, trị giá 25 triệu đồng/nhà. Hội LHPN địa phương còn giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư hệ thống tưới phun sương cho 10 nữ nông hộ, mỗi nhà 12 triệu đồng. Trước đây, các nông hộ thành viên HTX chỉ trồng rau có mối bán lẻ ngoài chợ, từ tháng 5/2020, Công ty HATECH nhận bao tiêu sản phẩm, với các loại cải xanh, cải ngọt, tùa sại… giá thu mua tùy thời điểm, đều cao hơn 2.000 đồng/kg; bên cạnh cũng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình, sử dụng phân thuốc thảo dược, vi sinh, nguồn nước tưới, phòng trừ dịch hại… không làm ô nhiễm môi trường, đảm bảo rau sạch an toàn cho người tiêu dùng. Hiện nay, Công ty cung ứng giống Bí non và đã bao tiêu khoảng 50 công, mỗi ngày HTX đáp ứng khoảng 500 kg để giao cho công ty. Qua quá trình sản xuất có hiêu quả, hiện HTX đã ký Hợp đồng mở rộng thêm 6 công trồng giống bí này.
Tổ chức sự kiện kết nối kinh doanh
Được Hội LHPN cùng chính quyền địa phương động viên, hướng dẫn khởi sự kinh doanh, vợ chồng chị Hồ Thu Loan đăng ký giấy phép, cơ sở sản xuất có kiểm định chất lượng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Cơ sở Thiên Hương có 3 sản phẩm Mắm: cua gạch, tôm gạch và sò huyết cồ huyện Trần Đề, đã được Tỉnh cấp Chứng nhận OCOP- “3 sao”, càng khẳng định thương hiệu, có được thị phần, xuất đi nhiều tỉnh thành trong nước, bình quân 300.000 hũ mắm cua thành phẩm/ngày.
Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 11 CLB doanh nghiệp nữ thuộc các Hội LHPN Huyện/TX/TP, cùng hoạt động “Kết nối kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh” đóng vai trò đáng kể, tạo động lực để nữ doanh nhân mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển những sản phẩm truyền thống đặc trưng, thế mạnh của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của PN, cùng sự phát triển chung của quê hương.