Thái Nguyên: Chủ tịch Hội Phụ nữ giúp chị em phụ nữ "giảm nghèo, tăng giàu"
Sinh sống và làm việc tại xã miền núi Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, ngay từ khi nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Lý, chị đã nỗ lực để trở thành một cán bộ có năng lực, được người dân tín nhiệm cao. Từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý kinh tế, chị luôn tâm huyết với công tác xóa đói, giảm nghèo, chị đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế bằng việc khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương.
Chị Tuyết cho biết, để giúp chị em phụ nữ "giảm nghèo, tăng giàu" chị cùng Hội LHPN xã Bảo Lý đã triển khai đồng bộ, lồng ghép nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Đặc biệt, Hội đã phát động mạnh mẽ phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, từ đó thu hút toàn thể chị em hưởng ứng tham gia xây dựng các mô hình kinh tế.
"Mô hình đậu tương, măng tây, khoai tây, ớt, dưa chuột, gà đẻ, vịt đẻ, cà chua bi,... được chị em vận dụng gia tăng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Một số mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng và các mặt hàng khác cũng phát triển mạnh, cho thu nhập mỗi hộ kinh doanh từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Để đạt hiệu quả cao hơn, Hội đã tổ chức được 9 lớp học nghề cho cán bộ hội viên, phụ nữ để làm hành trang khởi nghiệp hoặc tham gia làm kinh tế", chị Tuyết cho biết.
Dể giúp chị em phụ nữ "giảm nghèo, tăng giàu" chị Tuyết cùng Hội LHPN xã Bảo Lý đã triển khai đồng bộ, lồng ghép nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Chị Tuyết thăm mô hình nuôi heo của phụ nữ
Chính vì vậy, nhờ công tác giảm nghèo hiệu quả, nếu như 5 năm trước xã có 149 hộ nghèo thì đến nay xã chỉ còn 47 hộ nghèo, trên tổng số 1.836 hộ.
Ngoài việc triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, chị Tuyết cũng chủ trương chỉ đạo Hội tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo từ nguồn vốn tín dụng. Các nguồn vốn giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình được Hội tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả theo hướng đa dạng hoá, chú trọng mở rộng nguồn vốn tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp, cho vay vốn đi đôi với phổ biến kiến thức sử dụng vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hội cũng tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát việc thực hiện hoạt động uỷ thác và quản lý vốn, xây dựng các mô hình tín dụng mới và duy trì các mô hình cũ hiệu quả.
Chị Tuyết (áo xanh) và bà con tại địa phương
Cụ thể, hội nhận ủy thác của ngân hàng chính sách xã hội cho hội viên và nhân dân vay vốn phát triển sản xuất với số vốn là 6,8 tỷ đồng, cho 192 hộ vay. Cùng với đó là nguồn vốn huy động tiết kiệm 272 triệu đồng. Qua kiểm tra 100% đều cho vay đúng đối tượng và sử dụng vốn đúng mục đích. Tín chấp với ngân hàng Nông nghiệp tổ chức thành lập quản lý tổ vay vốn tại 6 xóm, đến nay có tổng số vốn là 20 tỷ đồng cho 183 hộ vay phát triển kinh tế. Đa số, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ, ổn định cuộc sống.
Để hỗ trợ hội viên khó khăn, chị Tuyết đã chỉ đạo các cấp hội vận động cán bộ, hội viên ủng hộ "Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo" giai đoạn 2017 - 2021, quỹ "Vì phụ nữ và trẻ em nghèo".
Nhờ đó, nhiều hộ dân địa phương đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, đầm ấm, hạnh phúc.
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, người cán bộ hội Bùi Thị Tuyết đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu cao quý do các cấp trao tặng.