TP.HCM: Phụ nữ tự tin khởi nghiệp, tạo việc làm cho nhau

22/04/2023
Giúp chị em phụ nữ tự tin, mạnh dạn hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, ý tưởng kinh doanh, khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế xã hội… là lý do ra đời của đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ. Từ khi ra đời (30/6/2017) đến nay, đề án đã được Hội LHPN TPHCM triển khai để hiện thực hóa.
Chị Trần Thị Ngợ kiểm tra các trại trùn quế của mình

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng khép kín

Ngồi trong chòi lá bên tán lá cao su mát rượi, chị Trần Thị Ngợ đón chúng tôi với dĩa ổi và đu đủ vừa gọt. Chị Ngợ khoe: “Đây là cây trái trồng ở vườn nhà mới hái. Mấy loại quả này được một chuyên gia người Nhật kiểm định và đánh giá là ngon và đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào Nhật”. Nhắc đến đây, chị Ngợ tiếc nuối: “Hợp tác xã (HTX) Trùn Quế Nàng Út Củ Chi (tọa lạc tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, do chị làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc) mới thành lập từ tháng 5/2022 với quy mô 2ha nuôi trùn quế và 5ha vườn cây ăn trái, hoa màu. Quy mô nhỏ nên chưa dám nghĩ đến xuất khẩu. Nhưng cũng nhờ đánh giá đó mà chúng tôi mạnh dạn cung cấp các mặt hàng của mình đến với người tiêu dùng”.

HTX hiện đang ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín để giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Theo đó, nguồn phân bò từ các nông hộ, trang trại được mua về, xử lý bằng men để làm thức ăn cho con trùn. Con trùn quế được làm thức ăn cho gà, heo, cá, lươn, tôm… Phân của nó sẽ được bán ra thị trường và để dành bón cho cây trái và cải tạo đất.

Về quá trình hình thành HTX, chị Ngợ bồi hồi: “Tôi từ bỏ công việc quản lý tại một ngân hàng, rẽ qua làm nông nghiệp sạch, thân thiện, để mọi người có cơ hội sử dụng nguồn thức ăn sạch, đảm bảo sức khỏe. Nhiều người cho rằng tôi không được bình thường nhưng đến hiện tại tôi đã chứng minh mình đi đúng hướng”.

Khởi đầu, chị Ngợ tự trồng nhiều loại rau củ quả để phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày. Quá trình tìm nguồn phân có lợi cho cây trồng chị đã biết đến phân trùn quế và bắt đầu hứng thú với việc nuôi trùn.

Năm 2019, chị Ngợ gom góp 200 triệu đồng vốn liếng để đầu tư xây dựng trại nuôi thử nghiệm trùn quế. Không có tiền thuê nhân công nên mọi việc lớn nhỏ chị đều tự làm. Đến khi bắt đầu thu hoạch thì dịch COVID-19 đến, chị phải tìm việc online để có thu nhập duy trì mô hình của mình.

Để tích lũy kiến thức cho quá trình khởi sự của mình, chị Ngợ tham gia các khóa tập huấn do Mekong Organics tổ chức, tiếp xúc và học kinh nghiệm từ các thầy cô giáo đầu ngành về nông nghiệp hữu cơ. Các khóa học đã truyền cảm hứng và sự quyết tâm trên con đường chị đã chọn. Chị gửi con nhỏ để lên tận Lâm Đồng xin vào làm công nhân cho các trang trại, nhà vườn để học hỏi và tích lũy kiến thức thực tiễn cho mình.

Từ 4 trại trùn ban đầu, chị Ngợ đã nhân giống và phát triển lên hơn 30 trại, mỗi trại có diện tích 100m2. Thu hoạch khoảng hơn 3 tấn phân và trùn mỗi tháng. Vườn trái cây cũng mới cho thu hoạch khoảng 80kg mỗi ngày. Lợi nhuận ước đạt khoảng 800 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động.

Cơ hội việc làm cho phụ nữ nông thôn

Trong 20 công nhân đang làm việc tại tổ hợp tác may gia công (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi), bạn gái trẻ Ngô Thị Ánh Linh tỏ ra thạo nghề. Linh đảm nhận công đoạn vắt sổ. Linh khoe: “Em chỉ mới học nghề được 1 tuần, hiện có thể vắt sổ và may những đường cơ bản. Dù đang học nghề nhưng em vẫn được hỗ trợ hơn 4 triệu đồng/tháng”.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan - người đảm nhận công đoạn ủi - cho biết: chị gắn bó với tổ hợp tác đã được một thời gian, mức lương ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng. Nhờ đồng lương ổn định mà chị duy trì được cuộc sống gia đình đang còn nhiều khó khăn.

Tổ hợp tác may gia công tại xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn

Một thành viên khác là chị Lê Thị Chín, sau khi nghỉ việc ở công ty đã xin vào may cho tổ hợp. Chị Chín nói: “Làm ở đây lương ổn định, khoảng 10 triệu/tháng nhưng khi cần, mình dễ dàng xin nghỉ phép hoặc có thể về sớm hơn 1-2 tiếng. Chị em hòa đồng, dễ thông cảm và choàng việc cho nhau khi gia đình có việc”.

“Chị em nào cũng có hoàn cảnh khó khăn và được tổ hợp tác hỗ trợ việc làm với thu nhập ổn định từ 4-10 triệu đồng/tháng, tùy tay nghề” - chị Trần Thị Huệ - người quản lý tổ hợp tác may gia công - cho biết.

Tổ hợp tác được thành lập từ năm 2018 với mong muốn giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ nông thôn, nhất là phụ nữ khuyết tật, đơn thân không nơi nương tựa, có con nhỏ. Hiện tổ có khoảng 25 máy may và máy vắt sổ do chị Trần Thị Huệ trang bị và các thành viên khác mang đến, nhận gia công các mặt hàng may mặc trong nước và xuất khẩu quy mô nhỏ. Tổ cũng tổ chức dạy nghề miễn phí cho lao động nữ.

Hỗ trợ 2.340 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh

Thực hiện đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, đến nay Hội LHPN TPHCM đã hỗ trợ 2.340 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, thành lập 16 tổ hợp tác, 8 HTX do phụ nữ quản lý; tư vấn, hỗ trợ phát triển 2.300 doanh nghiệp, tổ chức 290 sự kiện nhằm kết nối nguồn lực. Ngoài ra, các cấp hội cũng tổ chức 30 lớp xây dựng dự án kinh doanh, 135 lớp đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh, gần 2.300 ý tưởng tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp thành và cấp quận, huyện.

Trong những năm tới, hội tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, đào tạo, tư vấn pháp lý, kết nối tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh cũng như giám sát việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ…

phunuonline

Video