Trà Vinh: Hiệu quả từ mô hình Tổ hợp tác trồng màu

Từ đó, năm 2024, Hội LHPN xã Tân Sơn, huyện Trà Cú đã mạnh dạn thành lập THT trồng màu, qua hơn 1 năm thực hiện, đến nay tổ có 12 thành viên trồng màu tại ấp Đôn Chụm A, với diện tích 5ha. Tổ luôn duy trì hoạt động tốt, không những đem lại lợi nhuận cao cho nhiều nông dân, mà còn góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Bà Kim Thị Phi Thoàn, Tổ trưởng THT trồng màu ấp Đôn Chụm A, xã Tân Sơn cho biết: “Trước đây, đa số nông dân đều sản xuất theo phương pháp truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, không có sự gắn kết nên việc cung cấp ra thị trường gặp nhiều bất lợi. Việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các nông hộ còn hạn chế, chỉ dừng lại ở mức trao đổi gia đình, kỹ thuật mới không được tiếp cận. Xuất phát từ khó khăn trên, năm 2024, để tạo sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ trồng màu, chính quyền địa phương đã vận động các hộ trồng màu ở ấp tham gia vào mô hình tổ hợp tác và sản xuất theo hướng an toàn dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội LHPN xã đã tạo điều kiện cho THT vay vốn từ Quỹ phát triển Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Cú…”.
Kết quả, THT trồng màu an toàn xã ra đời với sự gắn kết giữa 12 nông dân, THT chủ yếu trồng các loại dưa leo, khổ qua, dưa hấu, đậu bắp theo mùa vụ, cùng nhau sản xuất trên diện tích 5ha. Để sản xuất rau vừa đạt số lượng, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các thành viên trong Tổ sản xuất theo kinh nghiệm và tuân thủ bắt buộc theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới, đặc biệt là thời gian cách ly giữa phun thuốc trừ sâu, bón phân với thời điểm thu hoạch và vệ sinh môi trường xung quanh vùng sản xuất.
Ngoài tuyên truyền vận động người dân tham gia mô hình THT gắn với thực hiện chuyển đổi cây trồng, Hội LHPN xã phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tích cực tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật để đưa các cây con, giống mới vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Đặc biệt đầu ra ổn định tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản, tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, nên giá cả rau của nông dân làm ra luôn dao động ở mức tương đối cao, trung bình mỗi vụ mang lại lợi nhuận trên 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/1 công đất trồng, cao gấp nhiều lần so với trước đây.
Chị Kim Thị Pha Ly, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Sơn, cho biết: Tuy mới được thành lập, nhưng THT trồng màu ấp Đôn Chụm A, xã Tân Sơn đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ có thêm thu nhập ổn định từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Qua đó, trong năm 2025 Hội LHPN xã tiếp tục vận động chị em hội viên phụ nữ tham gia vào THT để mạnh dạn mở rộng thêm diện tích.
Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy hội viên, phụ nữ vùng nông thôn còn nhiều khó khăn đã thay đổi tư duy sản xuất, làm ăn có hiệu quả theo mô hình liên kết này. Nhiều chị em trong THT vay vốn tín dụng để đầu tư trồng màu và mở rộng thêm diện tích, các chị có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ nâng cao kiến thức cho bản thân xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của địa phương.