Tỷ phú vườn đồi Mường Khương

08/03/2023
Xóa tan những nghi ngờ về năng lực bản thân, người phụ nữ Bố Y nhỏ nhắn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ngày ngày vác địu leo đồi chăm vườn quýt. Từ 100 gốc quýt đầu tiên, đến nay, vườn nhà chị có hơn 10.000 cây quýt và hồng không hạt giống Nhật Bản, thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
Đến nay, vườn nhà chị Lò Dìn Phủng có hơn 10.000 cây quýt và hồng không hạt giống Nhật Bản.

Có hàng chục ha đất đồi dốc do bố mẹ để lại sau khi kết hôn, vợ chồng chị Lò Dìn Phủng (sinh năm 1985, người Bố Y, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương) trước đây chủ yếu chỉ biết trồng ngô. Đất nhiều mà bao nhiêu năm chăm chỉ trồng trọt. Cái nghèo vẫn bám riết gia đình không buông. Chị cho biết, nơi chị sống, khi ấy vẫn còn nhiều người quan niệm phụ nữ chỉ là những người đảm đương công việc nội trợ, không được bàn việc làm ăn, việc lớn trong gia đình, hoặc chỉ làm việc theo sự sắp xếp của đàn ông.

Năm 2006, một số gia đình có địa thế vườn đồi, chất đất tương tự mà trồng được quýt ngọt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, chị Phủng dự định chuyển diện tích trồng ngô của gia đình sang trồng quýt. Trong khi không ít người mỉa mai, nghi hoặc cho rằng chị "vẽ chuyện", "chân yếu tay mềm thì làm được gì"... chị vẫn quyết tâm vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương 50 triệu đồng mua cây giống, phân bón và bắt tay vào khởi nghiệp.

Chị cho biết, ngày ấy, người trồng quýt tại Mường Khương không nhiều. Quýt mới được đưa vào trồng thử nghiệm nên chẳng ai có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc loại cây này. Xóa tan những nghi ngờ về năng lực của mình, người phụ nữ Bố Y nhỏ nhắn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ngày ngày vác địu leo đồi, chăm sóc 100 gốc quýt đầu tiên. Trời không phụ công chị, ngay năm đầu tiên thu hoạch, chị đã có lãi. Số tiền lãi gấp 10 lần trồng ngô đã củng cố niềm tin để chị trồng thêm 2.000 gốc quýt.

Đến nay, vườn nhà chị Lò Dìn Phủng có hơn 10.000 cây quýt và hồng không hạt giống Nhật Bản. Trong đó, cây đang trong thời gian thu hoạch có khoảng trên 6.000 cây, còn lại là những cây đang trong độ tuổi từ 1 - 3 năm. Mỗi năm, nhà chị thu hoạch được khoảng 60 - 70 tấn quýt và hồng, rải vụ từ tháng 8 đến hết tháng 2/2023, thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Nhờ chị tích cực quảng bá sản phẩm qua hệ thống mạng xã hội, các chuyến hàng của gia đình gửi đi xuống thành phố Lào Cai và đi khắp các tỉnh miền Bắc.

Học từ mô hình của chị Phủng, nhiều hội viên phụ nữ trong thôn Lao Chải đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng quýt. Trong các buổi sinh hoạt Chi hội phụ nữ, chị em trong thôn  thường chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình.

Vì học hỏi và bảo ban nhau chứ không mạnh ai nấy làm, những năm qua, chất lượng quýt ở Lao Chải rất tốt, đồng đều. Có khách hàng, các gia đình giới thiệu cho nhau, do vậy, nhà nào cũng bán được giá. "Kinh tế khá giả, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Do vậy, phụ nữ Bố Y ngày càng mạnh dạn, độc lập, sẵn sàng chia sẻ và gánh vác cùng đàn ông mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, không thụ động, dựa dẫm như trước nữa", chị Phủng chia sẻ.

Mỗi người một lứa tuổi, một hoàn cảnh, phụ nữ vùng cao Lào Cai dù là thủ lĩnh các phong trào hay nông dân vượt khó làm giàu, điểm chung của họ là sự năng động, sáng tạo, đặc biệt kiên trì với lựa chọn của mình, chưa từng nghĩ tới bỏ cuộc bất chấp những rào cản định kiến xã hội nơi họ sinh ra và lớn lên. Những thành tựu của họ đã và đang đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế, xã hội nơi vùng cao biên cương Tổ quốc.

baolaocai

Video

Thăm dò ý kiến

Tham gia đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh

  • Đồng ý
  • Khác
Xem kết quả