“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
Tóm tắt nội dung chính chuyên đề như sau:
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội. Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [1]. Đồng thời chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” [2].
Phần thứ nhất: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vấn đề độc lập cho dân tộc và khát vọng tự do cho nhân dân là xuất phát điểm, là nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, được nuôi dưỡng bởi những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, có sự tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại.
Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc đã bồi đắp tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh và lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam. Nói cách khác, chính chủ nghĩa yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước “đàng hoàng”, “to đẹp” đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đặt nền móng cho sự phát triển tư tưởng mác xít ở Việt Nam, tạo ra những điều kiện căn bản, tiên quyết đưa đến những thành công của cách mạng nước nhà.
1. Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường
Thứ nhất, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không.
Thứ hai, ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng: Nêu cao tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới” [3].
Thứ ba, ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng.
Thứ tư, ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Muốn vậy, quần chúng nhân dân phải được vận động, rèn luyện và tổ chức nhằm huy động, tập hợp, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến thành sức mạnh của quần chúng thành sức mạnh cách mạng.
Thứ năm, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.
2. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thứ nhất, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài: từ những ngày đầu đấu tranh cách mạng đến tận trước lúc đi xa, Bác luôn coi trọng nhân tài, mong muốn xây dựng đất nước hùng cường: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. [4]
Thứ hai, thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thứ ba, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch vớỉ sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.
Thứ tư, phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác
Có thể khẳng định, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị chỉ đạo thực tiễn và nghiên cứu lý luận về sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội, trở thành cơ sở, nền tảng tư tưởng đặc biệt quan trọng để Đảng đổi mới tư duy lý luận, nắm bắt thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới trong các giai đoạn cách mạng để Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Ý chí, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho dân tộc và tấm gương mẫu mực suốt đời phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực, tư tưởng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Phần thứ hai: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng dân tộc đã đạt nhiều kỳ tích chói lọi, làm nên Cách mạng tháng Tám, khai sinh nền độc lập, mở ra thời đại mới, kỷ nguyên mới độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng của Đảng và dân tộc ta là đúng đắn, phù hợp quy luật khách quan, thực tiễn đất nước và xu hướng phát triển của thời đại. Điều này đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trước bối cảnh tình hình thế giới “tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”, Đảng ta xác định phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn lịch sử.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới đi vào chiều sâu, chất lượng, thiết thực, cần tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu, thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:
Một là, cần nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình, gắn với nhiệm vụ chính trị.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lôi cuốn sự vào cuộc của toàn xã hội.
Bốn là, nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí, tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Năm là, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao bản lĩnh chính trị, chống suy thoái về chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức tu dưỡng, “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”.
Sáu là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng.
Bảy là, nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị.
Tám là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, hội viên, phụ nữ cần: 1. Bồi đắp khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, mỗi hội viên, phụ nữ tự tìm việc làm, tự lên kế hoạch, tự vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc, đời sống. 2. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 3. Nêu cao bản lĩnh chính trị, đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ, chống suy thoái về chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức tu dưỡng, “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo. 4. Cải tiến lề lối làm việc hiệu quả, sáng tạo; xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, văn minh. Phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển của mỗi cá nhân. 5. Cán bộ Hội cần xây dựng mối quan hệ mật thiết với hội viên, phụ nữ, đề cao phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Khuyến khích đảng viên, cán bộ, suy nghĩ, hành đông vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân; bồi dưỡng khát vọng nâng cao đời sống, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ. 6. Các cấp Hội chủ động tạo điều kiện tốt hơn nữa cho hội viên, phụ nữ tiếp cận với nguồn vốn, cơ hội việc làm, đồng hành cùng hội viên, phụ nữ vượt qua khó khan; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, học tập kỹ năng để bồi dưỡng, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, phụ nữ. |