Bình đẳng giới ở Việt Nam và triển khai thực hiện bình đẳng giới trong hoạt động Công đoàn
Đặc biệt, ngày 29/11/2006 Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 10/2007/CT- TTg ngày 3/5/2007 về việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới; Nghị định số: 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Nghị định số: 48/NĐ-CP ngày 19/5/2009 quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới. Trong đó quy định cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới là Bộ Lao động thương binh xã hội.
Quốc hội đã phân công Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định về lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong những năm qua công tác bình đẳng giới ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã có sự tham gia của cả nam và nữ vào cơ quan quản lý, lãnh đạo các cấp trong bộ máy nhà nước.
Tỉ lệ thất nghiệp của lao động nữ trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị giảm xuống còn 5,29%. Tỷ lệ nhập học và tốt nghiệp của học sinh nam và nữ trong tất cả các cấp bậc học gần như tương đương, tỉ lệ mù chữ ở nam và nữ đã giảm đáng kể. Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, huy động mạnh mẽ các nguồn lực khác trong xã hội đã góp phần đưa tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế lên hơn 90%. Trên 50% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, 45% phụ nữ được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần mạnh mẽ trong thành quả giảm nghèo ở Việt nam.
Theo đánh giá của ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là quốc gia đạt được sự thay đổi đổi nhanh tróng nhất về xóa bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Đông Á (mục tiêu thứ 3 trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ).
Tuy nhiên với nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác bình đẳng giới vẫn còn những hạn chế bất cập: nguyên tắc bình đẳng giới chưa được cụ thể hóa toàn diện và triệt để trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, một số quy định được ban hành nhưng thiếu chế tài, biện pháp , nguồn lực và cơ chế đủ mạnh để bảo đảm thực hiện. Chênh lệch về tỉ lệ nam nữ tham gia quản lý , lãnh đạo ở các cấp khá cao (phụ nữ chưa bằng 1/3 nam giới). Tỉ lệ nữ là lao động phổ thông và công nhân chưa qua đào tạo cao hơn nam giới 1,5 lần. Lao động nữ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ bằng 42% so với lao động nam. Thu nhập bình quân của lao động nữ bằng khoảng 79% lao động nam.
Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa được quan tâm đầy đủ. Công việc gia đình vẫn được coi là công việc không được trả công và phần lớn đều do phụ nữ đảm nhận. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề.Tình trạng ngược đãi, bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vẫn tồn tại.
Thực hiện nghị quyết số 11 /NQ-TW của TW Đảng về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Tổng Liên đoàn LĐVN đã xây dựng chương trình hành động số 190 /CTr-TLĐ ngày 30/1/2008. Riêng năm 2007 và 2008, Ban Nữ công TLĐ, với chức năng tham mưu giúp BCH, ĐCT TLĐ những vấn đề về giới, bình đẳng giới, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, thông qua các dự án do quốc tế tài trợ và chương trình hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ đã tổ chức một số lớp tập huấn, hội thảo về giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn, trong tuyên truyền về chính sách, trong công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình… thu hút hơn 1000 lượt cán bộ tham gia .
Đã có sự chuyển biến quan trọng ở các lớp tập huấn, hội thảo về bình đẳng giới. Nếu trước đây còn có quan niệm vấn đề giới, bình đẳng giới là của chị em nên hầu hết chỉ có cán bộ nữ tham dự thì nay đối tượng tham dự đã có cả nam giới, cán bộ lãnh đạo công đoàn. Một số lớp đã có cán bộ quan lý, đại diện người sử dụng lao động tham dự. Việc cử đại biểu nam giới tham dự đã giúp cho các hội thảo về giới, bình đẳng giới thu được những thành công bước đầu. Thông qua các hội thảo, tầm quan trọng của vấn đề thực hiện bình đẳng giới đã được thừa nhận.
Vấn đề giới có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động với những cấp độ khác nhau, vì vậy cần nâng cao trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc nghiên cứu các kỹ năng lồng ghép vấn đề giới vào trong các chương trình, kế hoạch và hoạt động của CĐ.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu , nhưng vẫn còn nhiều khó khăn bất cập cho hoạt động này, thể hiện trên các vấn đề sau: Nhận thức, thái độ và hành vi mang tính định kiến giới còn tồn tại ngay trong cả cán bộ công chức. Khoảng cách giữa những quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về bình đẳng giới nói riêng với việc thực thi trên thực tế còn tồn tại khá lớn. Thiếu thông tin, dữ liệu tách biệt giới tính và trách nhiệm thực hiện lồng ghép giới chưa được quán xuyến đầy đủ; thiếu các hướng dẫn mang tính kỹ thuật để hình thành kỹ năng cho việc lồng ghép giới. Nhiều cán bộ vẫn lúng túng trong việc lồng ghép giới vào các lĩnh vực đang quản lý hoặc đang thực hiện.
Để triển khai bình đẳng giới có hiệu quả, cần: Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới. Mở rộng đối tượng tuyên truyền, từ nam giới, đến nữ giới, đến cán bộ công đoàn, cán bộ công chức, đại diện người sử dụng lao động… Tăng cường mở các lớp tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ CĐ, cán bộ lãnh đạo, quản lý và đại diện người sử dụng lao động đề đưa được vấn đề giới vào trong kế hoạch đào tạo , bồi dưỡng, trong quy hoạch cán bộ, trong các văn bản báo cáo đánh giá, trong xây dựng, giám sát kiểm tra chính sách pháp luật, trong các cuộc họp …, nâng tỉ lệ nữ trong các hoạt động, trong các cuộc họp, trong các tổ chức , bộ máy của cơ quan , đơn vị nói chung, nâng tỉ lệ nam trong các hoạt động về giới nói riêng…Phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các chính sách liên quan đến lao động nữ. Tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để tăng cường việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế cũng như tranh thủ sự ủng hộ về kinh phí để tổ chức các hoạt động về giới, bình đẳng giới.