CEO nữ Việt Nam chịu sự ảnh hưởng từ khuôn mẫu giới như thế nào?

25/11/2019
Ngày 22/10, Tổng Lãnh Sự Quán Úc tại TPHCM phối hợp cùng Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham) tổ chức Hội thảo về bình đẳng giới 2019, tại quận 1, TPHCM. Sự kiện nhằm giúp người tham dự hiểu thêm về tầm quan trọng của bình đẳng giới trong lãnh đạo và vai trò của phụ nữ trong các tổ chức, những tồn tại cần giải quyết.

Hội thảo đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các chủ đề như: Cập nhật về tình bình đẳng giới tại Việt Nam; thảo luận về thay đổi khuôn mẫu  giới - những người có tầm ảnh hưởng hỗ trợ lực lượng lao động Việt Nam hiện đại; nam giới là đồng minh trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ…

Trong đó, nội dung cuộc thảo luận về thay đổi khuôn mẫu giới được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) chỉ ra rằng: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng bất bình đẳng giới vẫn đang còn tồn tại. Phụ nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động nhưng tập trung nhiều ở nông nghiệp và khu vực phi chính thức, nơi khó tiếp cận phúc lợi và bảo hiểm xã hội, phụ nữ có quyền truy cập hạn chế vào đào tạo và thăng tiến, áp lực xã hội ngăn cản phụ nữ theo đuổi giáo dục và phát triển sự nghiệp, thị phần các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo vẫn còn thấp, ít phụ nữ có vị trí ra quyết định, bạo lực giới tồn tại dai dẳng dưới nhiều hình thức… Những khuôn mẫu truyền thống cứng nhắc về nam giới và phụ nữ chính là các nguyên nhân cơ bản của bất bình đẳng giới tại Việt Nam.

Một số nữ CEO tại hội thảo cũng đồng tình rằng, bản thân họ cũng chịu nhiều áp lực về các khuôn mẫu giới. Bà Lê Kim Dung, Giám Đốc tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ làm quản lý thì có nhiều câu hỏi gia đình đặt ra cho tôi là có còn thời gian cho gia đình hay không. Hay lần đầu tiên xin việc vào ngân hàng tôi bị từ chối vì lý do bạn chưa đủ xinh đẹp và trắng trẻo… Từ gia đình hay trong công việc, những định kiến theo một khuôn mẫu nhất định về nam và nữ còn rất phổ biến”.

Chị Nguyễn Ngọc Mỹ, CEO, tập đoàn Alphanam cũng chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên được giáo dục giống với các bạn, các chị, các cô. Tôi được dặn là không được trở nên quá đặc biệt vì mọi người khó chấp nhận, không được quá bận rộn vì không thể làm người mẹ tốt, không được học nhiều quá về sau khó lấy được chồng… đây là những rào cản mà tôi gặp hằng ngày. Sau 10 năm ở nước ngoài, tôi về Việt Nam sinh sống, tôi nghĩ mình là người phụ nữ khá hiện đại. Bản thân tôi là sinh ra và lớn lên ở một doanh nghiệp gia đình, lớn lên ở vị trí kế nghiệp mà còn gặp nhiều rào cản, nhiều mặc định như thế để trở thành một người đóng góp cho đất nước, đóng góp cho gia đình, cho công ty của mình thì liệu hàng trăm ngàn phụ nữ khác họ còn gặp nhiều rào cản gì khác nữa. Đó là lý do vì sao tôi quan tâm nhiều đến bình đẳng giới”.

 Ảnh minh họa

 Nhiều đại biểu trong và ngoài nước tham gia Hội thảo


Chị Hồ Hồng Bảo Trâm, Cofounder & CEO công ty Kyna (TPHCM) kể rằng: “Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống, bố là người lao động chính, mẹ ở nhà nội trợ. Nhưng trước đó, mẹ đã tốt nghiệp đại học dược và đang trong quá trình lấy bằng thạc sỹ để mở công ty dược. Tuy nhiên, thời điểm đó anh trai của tôi bị bệnh tim bẩm sinh, mẹ chủ động hy sinh cả sự nghiệp để ở nhà chăm sóc cho 2 con. Câu chuyện hy sinh cả tương lai của mẹ để ở nhà như vậy ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Cũng chính vì truyền thống gia đình như vậy cho nên khi tôi lập gia đình và mở công ty riêng thì gặp nhiều rào cản từ phía gia đình. Từ rào cản đó tôi đã nỗ lực hơn nữa, không chỉ chứng minh bằng công việc mà chủ động trao đổi mình cần gì, cần hỗ trợ gì để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bản thân tôi không muốn phải hy sinh công việc hoặc gia đình. Tôi không muốn chuyện đó xảy ra với bản thân tôi và các nữ giới tại Việt Nam”.

Vậy những khuôn mẫu giới hiện nay đang có sự thay đổi tích cực như thế nào? Theo Chị Nguyễn Ngọc Mỹ, CEO, tập đoàn Alphanam cho biết: “Ngày nay chúng ta ở môi trường nữ giới có vai trò lãnh đạo. Chúng ta dần dần bình thường hóa những gương mặt nữ giới có tầm ảnh hưởng. Phụ nữ Việt Nam mong muốn có những gương mặt đã và đang thành công để các bạn trẻ được truyền cảm hứng, để các bạn không phải đánh mất điều gì cả. Tôi thấy đang có nhiều thay đổi, các bạn nữ đang ngày càng tự tin đưa mình vào những vị trí tốt hơn”.

Chị Ngọc Mỹ còn đưa ra thông điệp: Nam giới cần có lòng tin ở phụ nữ. Nếu đồng nghiệp của mình có tỏa sáng thì đừng nghĩ cô ấy đang cướp đi công việc của mình, nếu vợ của mình có nhiều công việc hơn thì cô ấy không phải một người vợ kém hơn. Những người phụ nữ xung quanh tỏa sáng hơn thì xã hội sẽ càng tốt đẹp hơn.

 Ảnh minh họa

 Lễ ký kết của các nam CEO về vấn đề thực hiện bình đẳng giới

 

Bà Lê Kim Dung, Giám Đốc tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam nhận định: “Phụ nữ ở quê có nhiều người đã di cư ra khởi môi trường sống và nếu cứ ở quê suốt thì họ phải gắn bó với việc làm nông, họ sẽ tiếp tục làm những công việc truyền thống. Bây giờ họ đã trở thành người có thu nhập và có tiếng nói hơn trong gia đình. Phụ nữ các thành phố lớn thì có nhiều cơ hội khác nhau như có sự hỗ trợ từ máy móc, người giúp việc …”

Tổng lãnh sự Úc, bà Julianne Cowley trao Chứng Nhận Edge và vinh danh thành Viên mới của VBCWE (Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng Phụ Nữ). 

Tổng lãnh sự Úc, bà Julianne Cowley chia sẻ: “Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là ưu tiên hàng đầu của Chính Phủ Úc và là trọng tâm chính của mối quan hệ đối tác kinh tế giữa Úc và Việt Nam. Bình đẳng giới là rất quan trọng để củng cố tính năng động kinh tế của Việt Nam và đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai. Viện McKinsey Global ước tính rằng cho đến năm 2025, bình đẳng cho phụ nữ có thể tăng thêm 40 tỷ đô la vào GDP ở Việt Nam hàng năm. Trong ba năm tới, chúng tôi dự định xây dựng động lực để thực hiện bình đẳng giới hàng ngày. Tôi hy vọng bằng cách ký vào Ban Cam kết Việt Nam, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ thực hiện các bước tích cực để thu hút nhiều hơn nữa phụ nữ và sự lãnh đạo của phụ nữ vào tổ chức của họ.”

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video