Còn 24 ngàn phụ nữ mù chữ và tái mù chữ

29/05/2009
Trong những năm qua, công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được những kết quả quan trọng. 198/206 xã, phường đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; 191/206 xã, phường đạt chuẩn phổ cập trong học cơ sở; 100% huyện, thành phố đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trong học kỳ I năm học 2008-2009 toàn tỉnh đã xoá mù chữ và bổ túc cho trên 12.700 người ở cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó phần lớn là phụ nữ.

Riêng quý 1/2009, Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp với ngành giáo dục mở được 5 lớp xoá mù chữ cho phụ nữ tại các huyện Bắc Yên, Mai Sơn, Yên Châu. Ở nhiều nơi, do không có điều kiện tham gia các lớp xoá mù chữ, cán bộ hội viên phụ nữ đã tự học từ người thân trong gia đình để biết đọc, biết viết.

Tuy nhiên, hiện nay cán bộ, hội viên phụ nữ và trẻ em gái trong toàn tỉnh Sơn La còn mù chữ và tái mù chữ khá lớn. Theo kết quả khảo sát của các cấp hội phụ nữ, đến hết tháng 3/2009, toàn tỉnh còn 24 ngàn phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 mù chữ và tái mù chữ, trong đó có 208 chị là uỷ viên Ban chấp hành Hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2006-2011. Phần lớn chị em mù chữ và tái mù chữ là dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận phụ nữ về xoá mù chữ còn nhiều hạn chế; thời điểm và địa điểm mở các lớp xoá mù chữ có nơi chưa phù hợp; việc sử dụng giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tại các lớp xoá mù chữ chưa nhiều; công tác phối hợp giữa Hội LHPN các cấp với ngành giáo dục trong công tác xoá mù chữ cho phụ nữ chưa chặt chẽ nên việc huy động chị em tham gia các lớp xoá mù còn thấp, hiệu quả chưa cao.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xoá mù chữ, giúp cho chị em từng bước nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, góp phần thực hiện bình đẳng giới và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể. Đó là, ngành giáo dục nên mở lớp ngay tại bản, hoặc cụm dân cư, để chị em có thể tranh thủ học ở mọi nơi, mọi lúc. Thời gian học được bố trí phù hợp, chủ yếu vào thời điểm nông nhàn từ tháng 11 năm trước, đến tháng 3 năm sau, hoặc bố trí dạy vào buổi trưa, buổi tối. Phân công giáo viên dạy các lớp xoá mù cần lựa chọn người có kinh nghiệm, có trách nhiệm cao, là người dân tộc thiểu số. Kiên quyết chống bệnh thành tích trong việc nghiệm thu, đánh giá chất lượng các lớp xoá mù chữ. Hội LHPN các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nêu gương, nhân rộng các mô hình cá nhân, tập thể phụ nữ làm tốt công tác xoá mù chữ để chị em học tập. và phát động phong trào tự học tập trong từng gia đình, người biết chữ dạy người chưa biết chữ; con dạy mẹ, chồng dạy vợ…Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ tham gia các lớp xoá mù chữ. Đối với những người tự học ở nhà, sau khi kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu thì cũng nên hỗ trợ như người đã tham gia học ở lớp. Về phíanhững phụ nữ đang còn mù chữ và tái mù chữ cần có sự cố gắng nỗ lực của chính bản thân mỗi người. Có như vậy, công tác xoá mù chữ nói chung và xoá mù chữ cho phụ nữ nói riêng mới đạt hiệu quả bền vững.

 

Nguyễn Thị Ngà
Hội LHPN tỉnh Sơn La

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video