Người truyền nghề dệt thổ cẩm ở Glar

07/10/2020
Với niềm đam mê và tâm huyết giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, bà Mlốp ở xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã đi vận động chị em phụ nữ ở các làng tham gia học nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Bản thân bà trực tiếp hướng dẫn cho chị em học nghề. Bà vinh dự là một trong những đại biểu tiêu biểu của tỉnh Gia Lai được tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II, năm 2020.

Theo lời bà Mlốp, ở làng bà trước đây không phải ai cũng biết nghề dệt thổ cẩm mà chỉ gia đình nào được truyền nghề qua nhiều đời thì con cháu mới biết. Công việc này yêu cầu sự cần cù, tỉ mỉ và tinh tế, vì ngày xưa dệt bằng quả bông nên yêu cầu rất nhiều công đoạn. Ngày trước, một tấm vải thổ cẩm có giá trị bằng 1 con heo. Người làng dệt ra sản phẩm thổ cẩm chỉ để dùng trong gia đình hoặc mang đi đổi heo.

Năm 1982, bà Mlốp lập gia đình và bắt đầu có ý tưởng sẽ truyền dạy nghề cho bất cứ ai muốn học. Từ đây, chị em trong làng có nhu cầu học nghề đều tới nhà xem bà Mlốp dệt. Khi có thời gian rảnh rỗi, bà Mlốp lại đến nhà chị em để chỉ dạy tận tình và không lấy tiền học của bất kỳ ai.

Bắt đầu từ đây, nghề dệt trong các làng ở xã Glar ngày càng được nhân rộng. Năm 2006, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập với 30 thành viên, do bà Mlốp là Giám đốc HTX. Đến nay, HTX đã thu hút hơn 300 chị em tham gia dệt thổ cẩm.

Bà Mlốp chia sẻ, nghề dệt cũng chỉ để giúp chị em kiếm thêm thu nhập những ngày nông nhàn. HTX đứng ra nhận các đơn hàng, sau đó giao nguyên vật liệu cho chị em trong làng làm ra các sản phẩm như vải, áo, túi xách...

Nhờ các chị em đều có tay nghề khéo nên HTX được nhiều cơ quan đặt hàng để phục vụ cho các lễ hội. Nhiều người dân từ ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng tìm đến đặt hàng. Năm 2009, tại Festival Cồng chiêng Quốc tế tổ chức tại Gia Lai, HTX đã bán được 2.000 chiếc túi xách thổ cẩm.

Chị Bleng, thành viên của HTX cho biết: “Mình vào HTX đã 5 năm nay. Mình chủ yếu dệt ở nhà cô Mlốp, gặp khó khăn ở công đoạn nào, cô Mlốp sẽ trực tiếp chỉ dạy và gỡ rối giúp mình. Ở làng này, nhiều chị em cũng tham gia vào HTX như mình, có đơn hàng của khách đặt thì sẽ nhận về dệt. Nhờ có HTX mà cuộc sống của chị em trong làng cũng ổn định hơn”.

Nghề dệt cũng chỉ để giúp chị em kiếm thêm thu nhập những ngày nông nhàn. HTX đứng ra nhận các đơn hàng, sau đó giao nguyên vật liệu cho chị em trong làng làm ra các sản phẩm như vải, áo, túi xách... Nhờ các chị em đều có tay nghề khéo nên HTX được nhiều cơ quan đặt hàng để phục vụ cho các lễ hội.”

Bà Mlốp Giám đốc HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar

Gia đình bà Mlốp có 3 cô con gái thì có 2 cô theo nghề của mẹ, còn 1 cô làm nghề giáo viên. Tuy nhiên, khi có thời gian rảnh rỗi, cả 3 chị em lại chụm vào khung dệt để phụ mẹ dệt vải.

Đến thăm nhà bà Mlốp, cả không gian đều được bao trùm bởi khung cửi, chỉ dệt, và các sản phẩm từ thổ cẩm. Bà Mlốp chia sẻ: “Mình mê cái nghề này lắm, nếu không vướng chuyện đồng áng, mình chỉ thích ngồi bên khung cửi thôi. Nghề này thu nhập không cao nhưng yêu cầu sự kiên trì, tỉ mỉ và tập trung cao độ. Mình muốn có thật nhiều chị em tham gia học nghề để giữ gìn nghề truyền thống và truyền dạy cho thế hệ sau”.

Với những đóng góp không nhỏ trong việc truyền dạy, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ dân tộc Gia Rai và Ba Na, bà Mlốp vinh dự trở thành gương mặt tiêu biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II, năm 2020 tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.

baodantoc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video