Nữ nông dân làm kinh tế giỏi
Long An: Nữ Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi Long An
Phụ nữ ngày nay không chỉ chăm lo gia đình mà còn tích cực tìm tòi, học hỏi nhiều cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình, trong đó phải kể đến chị Nguyễn Thị Trúc Linh (SN 1979), ngụ ấp Phước Vĩnh, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Chị là một trong những nông dân đạt danh hiệu Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Quê ở tỉnh Bến Tre, năm 1995, chị Linh theo chồng về Cần Đước. Những năm đó, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Chị cùng chồng quyết tâm vươn lên từ đôi bàn tay trắng. Lúc đầu, chị học nghề may gia công, ráp quần áo, công việc kéo dài hơn 20 năm với thu nhập ổn định. Cuộc sống bây giờ khá hơn nhưng chị vẫn dành thời gian học cách trồng hoa lan để có thêm thu nhập. Với 2.000m2 đất, chị trồng hơn 14.000 gốc lan, mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng. Còn 3.000m2 đất còn lại, chị cải tạo vườn tạp, trồng rất nhiều loại cây ăn quả như bưởi, cam, quýt, xoài, chanh,... Mỗi tháng, thu nhập tăng thêm trên 5 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Trạch, cho biết: Chị Linh tích cực tham gia công tác hội, tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả. Chị còn cho những hội viên khó khăn hơn vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Linh không chỉ là người vợ đảm đang, người mẹ hiền mẫu mực mà còn là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Chị xứng đáng là tấm gương để chị em học tập và noi theo.
Thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi tổng hợp
Đó là mô hình chăn nuôi tổng hợp các loại gia súc, gia cầm của chị Phàn Thị Mùi thôn Lũng Khỏe xã Thuận Hòa huyện Vị Xuyên (Hà Giang).
Tận dụng diện tích vườn đồi rộng của gia đình, năm 2010, chị tự khai phá làm trang trại chăn nuôi. Ban đầu, do nguồn vốn nhỏ, chị Mùi chỉ phát triển chăn nuôi gà và lợn.
Chị Phàn Thị Mùi bên đàn gia súc của gia đình
Từ nguồn thu nhập do chăn nuôi lợn, gà mang lại, năm 2014, gia đình chị tiếp tục xây dựng thêm chuồng trại và mua các giống trâu, bò, dê mở rộng chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ năm 2017 đến nay, bình quân trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị thường có 10 con trâu (trong đó có 3 trâu cái sinh sản để làm giống), 15 con bò và từ 25 - 30 con dê. Riêng đối với đàn gà thường duy trì khoảng 100 con, trong đó có khoảng 30 con gà mái chuyên đẻ để ấp trứng để tạo nguồn giống. Thu nhập bình quân sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 220 triệu đồng/ năm.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, chị Mùi cho biết: Trong quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, điều quan trọng nhất quyết định thành công là công tác phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chuồng trại thoáng mát về mùa hè và ấm vào mùa đông. Ngoài ra, cần chủ động nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cho đàn gia súc, nhất là vào mùa đông.
Để phát triển chăn nuôi thành công, chị Mùi đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ sách, báo cùng các tài liệu chuyên môn và các trang trại chăn nuôi thành công tại địa phương. Bên cạnh đó, chị Mùi còn thường xuyên học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các trang trại chăn nuôi tại địa phương để nâng cao kiến thức và cùng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.