Tài liệu sinh hoạt hội viên quý III năm 2008

03/08/2008
Đề nghị các tỉnh, thành Hội chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tổ chức cho hội viên sinh hoạt nghiêm túc, có chất lượng nội dung Tài liệu sinh hoạt hội viên quý III năm 2008.

TÀI LIỆU SINH HOẠT HỘI VIÊN QUÝ III NĂM 2008

 

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước;

Căn cứ vào các bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí quan liêu và căn cứ vào thực tế tình hình hiện nay;

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng tài liệu sinh hoạt hội viên quý III năm 2008 về Chủ đề “Thực hành tiết kiệm” dưới dạng các câu hỏi và đọc, thảo luận bài viết “Trở lại những chiếc hũ gạo và ống tiền tiết kiệm” phản ánh về hoạt động tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo của phụ nữ huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Đề nghị các tỉnh, thành Hội chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tổ chức cho hội viên sinh hoạt nghiêm túc, có chất lượng.

 

Câu hỏi 1: Tiết kiệm là gì?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền như cái nống” (cái nong, tiếng địa phương), gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”.

Theo lời dạy của Bác Hồ, chị em chúng ta phải hiểu rằng: Tiết kiệm không có nghĩa là không chi tiêu, nhịn ăn, nhịn mặc. Tiết kiệm là sử dụng các nguồn lực và chi tiêu một cách hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, không hoang phí.

Có thể lấy một ví dụ trong thực tế như sau: Trong mua sắm cho bản thân và gia đình, do chưa nhận thức đầy đủ vấn đề tiết kiệm nên khi mua, một số chị em thiếu tính toán, cân nhắc, “mua theo phong trào” dẫn đến có những đồ dùng mua về nhưng không dùng, như vậy là không tiết kiệm, là lãng phí.

Câu hỏi 2: Vì sao chúng ta phải thực hành tiết kiệm?

Người dân Việt Nam chúng ta đã có truyền thống tốt đẹp về cần cù, chịu thương, chịu khó và tiết kiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao 4 đức tính tốt đẹp “Cần, kiệm, liêm, chính”, để thấy rằng, “kiệm” đã trở thành một trong 4 bốn đức tính tốt đẹp của con người, dù là khi đất nước còn khó khăn hay khi đất nước đã phồn thịnh. “Cần” và “kiệm” phải đi đôi với nhau. Cần mà không kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được.

Nền kinh tế nước ta qua 20 năm đổi mới đã có bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta vẫn là một nước nghèo, đời sống một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo đời sống người dân thì nền kinh tế của nước ta cần được phát triển. Muốn xây dựng và phát triển kinh tế, thì phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn thì chúng ta phải vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vừa thực hành tiết kiệm để tăng thêm tích luỹ cho nền kinh tế quốc gia cũng như kinh tế gia đình.Vì vậy, việc thực hành tiết kiệm có một ý nghĩa to lớn nhằm góp phần tích luỹ để thúc đẩy và phát triển sản xuất.

Ông cha ta có câu: “Miệng ăn núi lở”, ý nói: Nếu một người có một núi của cải mà chỉ biết sử dụng, không lo làm, không biết tiết kiệm để bù đắp, tăng thêm thì dần dần cũng dẫn đến thiếu đói. Do vậy chúng ta còn nghèo mà không tích cực lao động, không biết tiết kiệm thì sẽ không bao giờ thoát khỏi đói nghèo.

Đặc biệt, hiện nay tiết kiệm đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Luật chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được ban hành cho thấy vai trò to lớn của vấn đề tiết kiệm, tiết kiệm được coi là quốc sách.

Câu 3: Chúng ta cần phải thực hành tiết kiệm như thế nào?

Chúng ta có thể thực hành tiết kiệm ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ gia đình đến cộng đồng, xã hội. Bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể thực hành tiết kiệm được.

Để thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Bác Hồ và chủ trương của Đảng, Nhà nước, chị em phải:

- Tự rà soát lại trong sản xuất, tiêu dùng của gia đình, cộng đồng, nơi mình sinh sống có những việc gì còn chưa tiết kiệm, lãng phí, để thay đổi, cải tiến sao cho tiết kiệm, hiệu quả.

- Tiết kiệm sức lao động: Tổ chức sắp xếp công việc cho khéo để có những việc trước kia phải dùng nhiều người nay chỉ ít người hơn nhưng vẫn đảm bảo thời gian, chất lượng, hiệu quả; phân công lao động phù hợp cho các thành viên trong gia đình.

- Tiết kiệm thời gian: Xây dựng tác phong làm việc đúng giờ cho bản thân và các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng; không lãng phí thời gian vào những việc không có ích; trong sinh hoạt Hội, sinh hoạt cộng đồng không để người này chờ người kia gây lãng phí thời gian của nhau...

- Tiết kiệm tiền, của: Có kế hoạch, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư cho sản xuất, trước khi mua sắm, tiêu dùng; thực hành tiết kiệm trước khi đầu tư, trước khi tiêu dùng.

Ví dụ: Gia đình chị A, mỗi ngày đi chợ 30.000 đồng nhưng nay trước khi đi chợ chị A bỏ vào ống tiết kiệm 2.000 đồng. Với số tiền còn lại 28.000 đồng nhưng chị A vẫn mua đủ các thứ đảm bảo bữa ăn của gia đình nhờ biết sử dụng hiệu quả đồng tiền.

- Tiết kiệm năng lượng như điện, nước, xăng, dầu, củi...: Tạo thói quen ”ra tắt, vào bật” các thiết bị điện, hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm (từ 18 giờ đến 22 giờ hàng ngày), ví dụ trong giờ cao điểm chúng ta chỉ nên sử dụng những thiết bị điện thật cần thiết phục vụ nhu cầu thiết yếu. Có những thiết bị như bàn là, máy bơm nước... có thể sử dụng trước hoặc sau giờ cao điểm. Làm như vậy vừa đỡ áp lực cho nguồn điện chung, vừa bảo vệ được thiết bị điện đỡ chóng hỏng, vừa tiết kiệm được tiền cho gia đình...

- Tiết kiệm từ việc tổ chức ma chay, cưới xin: Thực hiện tổ chức ma chay hoặc cưới xin theo nếp sống mới. Hình thức tổ chức đám cưới có thể tiết kiệm được tiền mà ở nhiều địa phương đang thực hiện, là tổ chức cưới tập thể, tiệc ngọt, hoặc chỉ tổ chức ăn uống liên hoan trong họ hàng nội ngoại thân tộc.Trong cưới xin, ma chay, chúng ta cần tránh những hủ tục lạc hậu, tránh đua đòi dẫn đến tiêu tiền một cách lãng phí, mang nợ nần, thiệt hại đến kinh tế gia đình và gây tốn kém cho người khác. Chị em phải ủng hộ và nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương của cấp uỷ, chính quyền địa phương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức ma chay, cưới xin.

Câu hỏi 4: Thực hành tiết kiệm mang lại lợi ích như thế nào cho gia đình và xã hội?

Việc thực hành tiết kiệm mang lại những lợi ích rất to lớn về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Ví dụ, mỗi ngày mối phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu (như tiền, đồ ăn, đồ uống, điện, nước....) được khoảng 1.000 đ, thì trong một tháng đã được 30.000 đ, trong một năm đã được 360.000 đ, với 13 triệu hội viên phụ nữ trong cả nước có thể tiết kiệm trên 4.500 tỷ đồng.

Nếu tiết kiệm điện bằng cách thay đổi thiết bị như dùng đèn huỳnh quang 20 W thay đèn sợi tóc 75 W mức sáng vẫn ngang nhau thì mỗi gia đình có 5 bóng, mỗi năm sẽ tiết kiệm được trên 200.000 đồng (chỉ trong thắp sáng). Nếu mỗi hộ gia đình bớt được 1 giờ làm việc của một bóng đèn 40 W trong giờ cao điểm thì hàng năm sẽ tiết kiệm trong khu vực ánh sáng sinh hoạt của cả nước (với 15 triệu hộ gia đình) tới 219 triệu kWh, tương đương khoảng 130 tỷ đồng. Nếu thực hành tiết kiệm điện trong đun nấu, làm lạnh, giặt, là....thì hiệu quả sẽ lớn hơn nhiều.

Những ví dụ cụ thể trên chứng tỏ rằng, nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của, thời gian và các nguồn lực khác, thì với sức lao động, tiền tài của gia đình tích luỹ được, chúng ta có thể đầu tư vào sản xuất hoặc kinh doanh của gia đình để tăng thu nhập, phục vụ trở lại cho đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người, mỗi gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, nếu gia đình no ấm và phát triển về kinh tế thì cũng sẽ góp phần làm cho kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh mẽ.

Phần thảo luận:

Thảo luận về bài viếtdưới đây theo câu hỏi cuối bài:

TRỞ LẠI CHIẾC HŨ GẠO VÀ ỐNG TIỀN TIẾT KIỆM

Hầu hết các gia đình ở xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đều có bàn thờ Bác Hồ. Tuy nhiên điều đáng quan tâm ở đây, là từ tháng 2 lại đây, phía dưới ảnh Bác, không ít gia đình nơi đây đã đặt thêm một ống tre xanh. Đây là những chiếc ống đựng tiền tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ nghèo của phụ nữ xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ nghèo là một nội dung cụ thể đã được các cấp hội phụ nữ huyện Tân Kỳ lựa chọn, đăng ký thực hiện theo chủ đề thực hành tiết kiệm chống tham ô lãng phí của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2008. Đạt 100% đơn vị xã, thị trấn tổ chức triển khai và thực hiện ký cam kết thực hành tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ đơn thân và phụ nữ tàn tật đến tận 266 chi hội và 100% hội viên tham gia bằng một việc làm thiết thực để hưởng ứng cuộc vận động như: Hũ gạo tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm trong từng gia đình hội viên hoặc tại gia đình các chị chi hội trưởng, tổ trưởng, giúp đỡ bằng ngày công, hiện vật như gà, lợn, bàn ghế, quần áo, chăn màn...

Qua 5 tháng thực hiện đợt 1 giai đoạn 2 của cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cấp Hội ở huyện Tân Kỳ đã thu được: 11.278.000 đ; 1.268 kg gạo; 174 ngày công giúp cho 65 gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong đó có 2 phụ nữ đơn thân. Các đơn vị Tân Xuân, Nghĩa Thái, Nghĩa Hành, Tân Phú, Nghĩa Đồng, Nghĩa Phúc, Thị Trấn, Kỳ Tân... là những đơn vị đã đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nổi bật là xã Tân Xuân đạt 7/7 chi hội phụ nữ hưởng ứng cuộc vận động với hình thức ống tiền tiết kiệm và hũ gạo tiết kiệm.

Chị em ở 6/7 chi hội ở xã Tân Xuân đã tự nguyện tiết kiệm mỗi ngày mỗi người 100 đồng. Cứ 5 ngày một lần số tiền 500 đ đến 1.000 đ tiết kiệm từ các khoản chi tiêu hàng ngày được cho vào chiếc ống tre. Mỗi tháng mỗi người cũng tiết kiệm ít nhất được 3.000 đ. Chi hội còn lại, là chi hội Xuân Yên, hầu hết chị em là người dân tộc ....đời sống còn khó khăn nên đã chọn hình thức hũ gạo tiết kiệm. Chiếc hũ sành được đặt cạnh thùng gạo của gia đình, mỗi bữa nấu ăn, chị em bớt lại một nắm gạo để cho vào hũ.

Những ngày đầu triển khai cuộc vận động tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ nghèo, không ít hội viên từ các chi hội trong xã chưa tán thành, cho rằng: “Mình cũng còn khó khăn chứ đâu chỉ những người đó”. Nhưng với sự vận động thuyết phục có lý, có tình của các chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ, chị em cũng đã hiểu ra và tự bảo nhau: “Mình khó khăn những vẫn còn sức khoẻ, còn lành lặn, gia đình đầy đủ, hạnh phúc”. Thế là hàng ngày chỉ với 500 đ hoặc một nắm gạo, tưởng chừng quá ít ỏi và nhỏ nhoi thế mà, góp gió thành bão, chỉ sau một thời gian không lâu, số tiền, số gạo ấy đã được nhân lên thành tiền trăm, tiền triệu. Số tiền, số gạo tiết kiệm đó đã được chị em chuyển đến giúp đỡ những phụ nữ đặc biệt khó khăn tại địa phương như bà Trần Thị Gương, 63 tuổi, vừa tàn tật, lại sống độc thân; chịTrần Thị Diên, chồng bị bệnh nặng không còn khả năng lao động, 3 con còn nhỏ dại, đời sống cũng hết sức khó khăn và các chị em khác có những hoàn cảnh éo le tương tự.

Ngoài việc giúp đỡ những phụ nữ đặc biệt khó khăn, một số chi hội ở xã Tân Xuân đã sử dụng tiền tiết kiệm cho chị em vay không lấy lãi để đầu tư sản xuất. Chị Nguyễn Thị Vân, chi hội trưởng chi hội Vĩnh Đồng cho biết, chi hội chị có 117 hội viên, trong 6 tháng qua, chị em đã tiết kiệm được 1.800.000 đ. Số tiền này chị em quyết định dùng 1.000.000 đ cho một chị vay không lấy lãi để mua lợn giống chăn nuôi, còn 800.000 đ giúp đỡ những người trong thôn thật sự khó khăn.

Một số chị em khác tại địa phương cũng đã bắt đầu thực hành tiết kiệm để tăng thêm tích luỹ cho gia đình. Chị Đặng Thị Bình, ở chi hội Xuân Yên cũng có một ống tiền tiết kiệm. Hàng ngày đi chợ bán được nông sản, ngoài số tiền để chi tiêu, hôm nào chị cũng cho vào ống lúc 500 đ, lúc 1-2.000 đ. Chị vui vẻ nói với chúng tôi: “Chỉ thế thôi mà từ tháng 2 đến nay, em đã có được 200.000 đ các chị ạ. Em vừa chẻ một ống, đóng góp cho chị em nghèo, số còn lại cũng đủ để mua sách vở, quần áo cho các cháu. Ống này là chiếc thứ 2”. Chúng tôi hỏi: “Chị sẽ duy trì mãi cái ống tre này chứ?”. Chị cười: “Cũng không chắc là sẽ mãi mãi, nhưng hiện nay thì em vẫn bỏ ống, vì nó cũng có lợi không chỉ cho người nghèo mà còn cho cả gia đình mình”.

Cho đến nay, Tân Kỳ vẫn là một huyện miền núi nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn cao, ở các xã như xã Tân Xuân, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 30%, trong đó có không ít những người đặc biệt khó khăn do neo đơn, ốm đau, tàn tật... rất cần sự trợ giúp của cộng đồng. Vì vậy, việc hội LHPN huyện Tân Kỳ phát động trong phụ nữ các hình thức tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo, trong đó có hình thức hũ gạo tiết kiệm và ống tiền tiết kiệm là một sáng kiến nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, đồng thời gắn kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với đời sống của phụ nữ ở địa phương một cách thiết thực.

Câu hỏi:

Câu 1: Chị hãy cho biết, phụ nữ huyện Tân Kỳ đã hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng hình thức nào?

Câu 2: Chị nghĩ gì về ý nghĩa của những chiếc hũ gạo và ống tiền tiết kiệm của phụ nữ huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An?

Câu 3: Theo chị, ngoài việc tiết kiệm bằng cách bỏ ống và hũ gạo tiết kiệm, để có tiền, phụ nữ chúng ta cần thực hành tiết kiệm bằng cách nào?

Câu 4: Chị hãy cho biết bản thân chị đã thực hành tiết kiệm hàng ngày như thế nào?Nêu một số ví dụ trong thôn/xóm/địa phương về tinh thần tiết kiệm và ý thức thực hành tiết kiệm mà chị biết.

 

Ban Tuyên giáo TW Hội LHPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video