Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới trong giáo dục

22/04/2021
Trong giai đoạn 2016-2020, công tác triển khai Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành giáo dục đạt được một số thành tựu, đạt được 19/22 chỉ tiêu cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Nữ giới đang chiếm tỷ lệ lớn trong đội ngũ giáo viên. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Nữ giới hiện đang chiếm tỷ lệ khá cao trong ngành giáo dục, và là chủ thể chiếm tỷ lệ lớn trong đội ngũ giáo viên: Chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối ở bậc mẫu giáo; khoảng 70% ở bậc phổ thông; gần 50% đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng.

Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Bộ GD-ĐT phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020, Bộ GD-ĐT cho biết, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, nhà nước đối với công tác bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong ngành giáo dục, ngành đã đạt được 19/22 chỉ tiêu cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Các mục tiêu đã đạt được bao gồm: Thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỷ lệ biết chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn; Bảo đảm các vấn đề về giới, bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, cha mẹ học sinh và cộng đồng; Phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới, thúc đẩy môi trường học tập an toàn, thân thiện.

Một số chỉ tiêu cụ thể đã cơ bản đạt được: 90% phòng GD-ĐT có nữ tham gia ban lãnh đạo; 90% cơ sở giáo dục đại học có nữ tham gia hội đồng trường, ban giám hiệu, ban giám đốc; 40% nữ tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở GD-ĐT; giảm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục không đến trường, chú trọng đối tượng trẻ em trai ở khu vực Tây Nguyên và trẻ em gái ở vùng miền núi phía Bắc; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 98,16%, độ tuổi 15-35 là 99,3%; đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ này tương ứng là 94,7% và 97,8%, đạt và vượt chỉ tiêu….   

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, giai đoạn tới, công tác bình đẳng giới trong ngành giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, hướng tới tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ cụ thể. Một trong số các nhiệm vụ sẽ là sẽ xây dựng và triển khai chương trình đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản…

Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, cùng với việc Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành giáo dục giai đoạn 2021-2025, các cơ sở GD-ĐT sẽ ban hành kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành giáo dục theo từng năm phù hợp với địa phương nhằm bảo đảm công tác này đạt chất lượng, thiết thực.

https://nhandan.org.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video