TP. Hồ Chí Minh: Lan tỏa mô hình "Trao yêu thương"

26/09/2019
Phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, đặc thù địa bàn rộng, tập trung nhiều công ty, xí nghiệp, thu hút một lực lượng lớn công nhân, người lao động nghèo từ các nơi đổ về, đời sống còn nhiều khó khăn. Từ đặc thù đó, mô hình “Trao yêu thương” do Hội LHPN phường thành lập từ tháng 3 năm 2017 đã phát huy tốt tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ trong cộng đồng.

Mô hình không chỉ là nơi để người khá giả giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mà còn thúc đẩy thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí, tăng cường tái sử dụng; giúp giảm áp lực chi mua sắm trang phục, những vật dụng thiết yếu trong gia đình cho hội viên, phụ nữ công nhân, người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập thấp.

 

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ, mạnh thường quân tham gia ủng hộ các sản phẩm, vật dụng mới và cũ, đã qua sử dụng nhưng còn tốt, còn tái sử dụng được như: quần áo, chăn màn, giày dép, mũ nón, các vật dụng thiết yếu trong gia đình... Điểm tiếp nhận và trao tặng là “Cửa hàng” tại khu đất trống trước trụ sở UBND phường (450 Bến Phú Định, phường 16, quận 8).

 

Với phương châm “của cho không bằng cách cho”, bất kể là ai cũng có thể là người đến nhận sản phẩm, vật dụng mà mình “thực sự cần”; Đồng thời, ai cũng có thể tự giác “cho đi” bằng việc tặng lại ít nhất 2.000 đồng/sản phẩm, số tiền thu được công khai rõ ràng và để chi tổ chức bữa ăn cho người già neo đơn, công nhân khu nhà trọ không có điều kiện về quê đón Tết, một phần sẽ hỗ trợ cho việc phân loại, giặt ủi và duy trì hoạt động gian hàng. Số tiền nhỏ bé đó đã giúp “người nhận” không bị mặc cảm “được ban phát”, đồng thời tạo điều kiện để họ được đóng góp một phần nhỏ, được “cho đi” để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

 

Việc làm này đã thực sự tạo nên tính lan tỏa về hành động tương trợ trong xã hội. Số tiền ủng hộ thu được từ việc “bán hàng” đã đạt trên 1 triệu đồng/năm. Từ số tiền này, Hội LHPN phường, Ban chủ nhiệm mô hình vận động thêm từ các “mạnh thường quân” hỗ trợ, tổ chức nấu 100 phần thịt kho trứng (500gr/phần) cho công nhân lao động nghèo không có điều kiện về quê đón Tết tại các khu nhà trọ trong Tết Nguyên đán 2017, 2018, 2019.


 Ảnh minh họa

 Với phương châm “của cho không bằng cách cho”, bất kể là ai cũng có thể là người đến nhận sản phẩm, vật dụng mà mình “thực sự cần”; Đồng thời, ai cũng có thể tự giác “cho đi” bằng việc tặng lại ít nhất 2.000 đồng/sản phẩm

 

Năm 2019, mô hình đã được nhân rộng thêm 03 điểm trên địa bàn phường để mọi người thuận lợi khi đến nhận sản phẩm: chung cư An Dương Vương (mở cửa hàng ngày, có tiếp nhận hàng), khu nhà trọ 62/1 An Dương Vương (mở cửa ngày chủ nhật), trụ sở sinh hoạt khu phố 3 (mở cửa ngày thứ 5, 7), nguồn hàng cung cấp từ điểm chính của phường.

 

Qua gần 3 năm hoạt động, đã có trên 2.500 lượt tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ trên 12 tấn quần áo và các trang thiết bị, vật dụng các loại; trên 2.000 lượt người đến nhận. Ngoài ra, còn chia sẻ 8 tấn quần áo, 100 tấm nệm và đồ dùng các loại cho các đoàn từ thiện, hỗ trợ đến các đồng bào, dân tộc nghèo tại các vùng, miền trong nước như: Đắk Lắk, Lai Châu, Tây Nguyên, Long An, Bình Phước,… Lượng đồ lưu tại kho mỗi ngày trên 1.000 sản phẩm các loại.

 

Mô hình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ chính quyền địa phương cũng như người dân trên địa bàn, đặc biệt là phát huy vai trò của các cấp Hội trong tích cực tổ chức các hoạt động xã hội thiện nguyện. Các thành viên trong Ban chấp hành Hội LHPN phường, chi, tổ hội tổ chức luân phiên tiếp nhận, sắp xếp, phân loại các sản phẩm và tích cực tuyên truyền vận động quyên góp; các tổ chức từ thiện đã không ngại khó khăn vất vả, đường xá xa xôi vận chuyển sản phẩm của “Cửa hàng” đến tận tay người khó khăn ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa.

Trang – VP TPHCM

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video