Thanh thiếu niên Việt Nam: Hiện tại và Tương lai

27/03/2006
 

Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Nếu tuổi trẻ được chăm lo, vun xới để có được sự phát triển mạnh mẽ thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cả cuộc đời của mỗi con người.Nhận thức được tầm quan trọng của tuổi trẻ nên sự phát triển của thanh thiếu niên luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII về công tác thanh niên trong thời kỳ mới đã khẳng định: “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Trong chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010, Chính phủ cũng đã xác định: Việc làm, phòng chống HIV/AIDS và ma tuý là những vấn đề mà thanh thiếu niên phải đối mặt.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu về đối tượng này, trên cơ sở đó xây dựng những chương trình giúp thanh thiếu niên trên toàn quốc phát triển một cách toàn diện là việc làm cần thiết. Cuộc điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) là công trình nghiên cứu cấp quốc gia đầu tiên ở Việt Nam do Bộ Y tế và Tổng cục thống kê thực hiện vào năm 2003 với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Kết quả cuộc điều tra vừa mới được công bố đã cho thấy một bức tranh khá tổng quát về thanh thiếu niên Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Mở đầu mục “Tâm điểm” xin chuyển đến bạn đọc phần 1 Bài “Thanh thiếu niên Việt Nam - Hiện tại và tương lai”.

Phần 1: HIỆN TẠI VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Kết quả điều tra cho thấy, đa số thanh thiếu niên Việt Nam chăm chỉ, siêng năng, có mối quan hệ mật thiết với gia đình, tôn trọng giá trị đạo đức truyền thống, nhất là trong tình yêu, lạc quan về tương lai và nhìn chung hài lòng với công việc hiện tại của họ. Thanh thiếu niên ngày càng khẳng định vai trò và bản sắc của mình cùng với quá trình đổi mới về kinh tế xã hội không ngừng ở Việt Nam cũng như xu hướng toàn cầu hoá.

Các số liệu điều tra về giáo dục cho thấy tỷ lệ đi học và biết chữ cũng như thái độ tích cực học tập của thanh thiếu niên Việt Nam rất khả quan. Môi trường giáo dục đã trở nên thuận lợi và mang tính hỗ trợ hơn đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là nữ giới. Trong những năm gần đây, học sinh có cơ hội “được có tiếng nói” tại trường lớp. Phần đông thanh thiếu niên đang đi học đều cố gắng học hành và rất nhiều người trong số họ (90%) cho biết thực sự muốn tiếp tục được học lên đại học.

Mặc dù có những ưu điểm và môi trường xã hội khá thuận lợi, kết quả từ cuộc điều tra cho thấy thanh thiếu niên Việt Nam cũng còn nhiều điểm hạn chế và phải đối mặt với nhiều thách thức

Phần lớn đang ở tuổi đi học không tham gia làm việc (nhất là ở lứa tuổi dưới 15) nhưng thanh thiếu niên Việt Nam cũng đã từng làm việc để kiếm tiền. Lao động tự làm chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại hình công việc, sau đó là làm việc trong các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Chỉ có 6,7% thanh niên làm việc trong doanh nghiệp nhà nước. Dự kiến số thanh niên làm việc cho doanh nghiệp nhà nước sẽ còn giảm khi ¼ doanh nghiệp này cổ phần hoá. Học nghề là phương án được rất ít thanh niên lựa chọn. Chính vì vậy tỷ lệ học nghề ở thanh thiếu niên được phỏng vấn cũng thấp. Thực tế là sau khi học nghề có trên 30% không thể tìm được công việc đúng lĩnh vực được đào tạo. Nguyên nhân của tỷ lệ học nghề thấp là do cơ hội đào tạo hạn chế, chi phí đào tạo cũng như quan niệm rằng học nghề không kiếm được nhiều tiền và không vẻ vang bằng đi học đại học.

Cùng với những khó khăn về việc làm, lao động và giáo dục dạy nghề thì thanh thiếu niên Việt Nam cũng gặp những thách thức ở các lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực sức khoẻ sinh sản cho thấy thanh thiếu niên bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn thông tin. Về các biện pháp tranh thai, hầu hết thanh thiếu niên đã biết được hiệu quả của bao cao su phòng tránh thai và phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng nhìn chung thái độ vẫn còn tiêu cực, đồng nhất bao cao su với những quan hệ không đàng hoàng. Điều đáng chú ý là những thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục tương đối ít và mức độ chính xác của thông tin nắm được nhìn chung vẫn chưa đạt như mong muốn. Các chiến dịch truyền thông về HIV/AIDS đã thành công trong việc nâng cao nhận thức của đông đảo thanh thiếu niên. Tuy kiến thức có tăng nhưng mức độ chính xác của kiến thức lại chưa cao. Thực tế vẫn còn tới ¾ nhóm chưa bao giờ đến trường được hỏi nói rằng chưa từng nghe nói về HIV/AIDS. Có tới 1/5 nữ thanh thiếu niên nông thôn trong độ tuổi 14-17 và 35,7% thanh thiếu niên dân tộc thiểu số nhầm lẫn người nhiễm HIV có bề ngoài ốm yếu, bệnh tật. Nhiều bằng chứng cho thấy thanh thiếu niên có xu hướng cho rằng nguy cơ nhiễm HIV là của người khác, chứ không phải của mình, kể cả những người đã có quan hệ tình dục không an toàn. Mặt khác, cũng theo kết quả điều tra, các cuộc thảo luận về HIV/AIDS với thanh thiếu niên trong gia đình chưa thực sự gắn liền với những vấn đề sức khoẻ sinh sản, giới tính và tình dục.

Kết quả điều tra còn chỉ ra một thực tế rằng, thanh thiếu niên Việt Nam vẫn còn quá dễ dàng kiếm được các chất gây nghiện hợp pháp: có tới 98,6% cho rằng rất dễ dàng kiếm được rượu bia. Tỷ lệ sử dụng hêrôin và các chất ma tuý bất hợp pháp trong thanh niên Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là các nam thanh niên thành thị. Đây là vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần, là tác nhân gây nhiễm HIV, gây ra xung đột gia đình và strees ở thanh niên hiện nay. Tương tự, việc tiếp cận với thuốc lá và các chất uống có cồn cũng đã và đang trở nên phổ biến trong thanh niên, kể cả nữ. Theo các nhà phân tích, đây chính là yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ và xã hội. Ngoài ra, thanh thiếu niên nam, đặc biệt là thanh niên thành thị còn có nhiều hành vi có hại cho sức khoẻ như: quan hệ tình dục ngẫu hứng, đua xe máy, tụ tập gây rối, bạo lực…

Cuộc điều tra cũng chỉ ra một trong những nguy cơ lớn nhất hiện nay mà thanh niên Việt Nam, nhất là thanh niên thành thị đang phải đối mặt là sự gia tăng tai nạn giao thông. Thống kê cho thấy, có tới 54% thanh niên được hỏi đã từng điều khiển xe máy, song chỉ một số rất nhỏ (26%) cho biết thường xuyên đội mũ bảo hiểm. Có tới ¼ thanh thiếu niên ở thành thị nói đã từng bị tai nạn giao thông, tuy nhiên trên thực tế, con số này có thể lớn hơn nhiều. Nguyên nhân được xác định ở đây là việc điều khiển phương tiện một cách liều lĩnh, đua xe máy, sử dụng các chất uống có cồn, không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông và đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm… 

(Còn tiếp)

Hạnh Sâm & Thu Hương (Tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video